Bởi với mức giá cá như hiện nay, người nuôi chỉ có đường lỗ. Nhiều hộ nuôi chán nản quyết định “treo ao”; có hộ tiếc công, tiền của, vẫn cầm cự nuôi vài tháng nay với hy vọng tăng giá…
GIÁ CÁ RẺ NHƯ “BÈO”
Ong Phạm Hữu Hạp (Tư Hạp) là người nuôi cá bổi lâu năm và quy mô nhất ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Chúng tôi theo chân ông Hạp ra các ao cá bổi, ông xúc thức ăn rải cho đàn cá dày đặc trong ao, rồi nói trong ngậm ngùi: “Lại phải rải tiền xuống ao, không mong gì thu lại được”! Vì theo ông Hạp, tính về thời gian thì cá trong ao đã quá lứa khoảng 2 tháng nay, nhưng vì cá mất giá nên chỉ cho ăn cầm chừng; bởi chi phí cho ăn đúng liều lượng hằng ngày là trên 1,5 triệu đồng.
Chuyện là bốn năm về trước, ông Tư Hạp nuôi thử nghiệm 1 ao cá bổi, thấy nuôi có lãi nên ông mạnh dạn đầu tư cải tạo diện tích 1ha với 5 ao nuôi; trong 2 năm đầu nuôi, bình quân mỗi năm lãi 50 - 150 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, khoảng hai năm nay, giá cá bổi thương phẩm liên tục giảm, ông Hạp cũng như nhiều hộ nuôi cá bổi từ phá huề đến lỗ chứ không có đường lời. Năm 2015, 5 ao cá bổi của ông Hạp thương lái mua với giá 40 ngàn đồng/kg, mà ông còn lỗ đến 150 triệu đồng. Ông Tư Hạp vẫn còn buồn khi nhớ lại: “Đổ mồ hôi công sức hơn 8 - 9 tháng trời mà cuối cùng bị lỗ cả trăm triệu. Thấy tôi tuổi đã cao, nuôi cá vất vả lại còn lỗ, các con khuyên nghỉ nuôi, nhưng tôi vẫn quyết bám nghề. Nhưng tình hình như hiện nay, khả năng thua lỗ còn nặng hơn, thu hoạch đợt này nữa chắc tôi nghỉ nuôi cá bổi”.
Xúc thức ăn rải cho đàn cá dày đặc trong ao, ông Tư Hạp nói trong ngậm ngùi: “Lại phải rải tiền xuống ao, không mong gì thu lại được”!
Tương tự, nhắc đến chuyện nuôi cá bổi, ông Cao Thanh Liêm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm và nuôi trồng thủy sản Ấp 13 (xã Khánh An, huyện U Minh) thở dài: “Vài năm gần đây, giá cá bổi bấp bênh cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chi phí thức ăn tăng cao, đẩy người nuôi vào tình thế hết sức khó khăn. 7 thành viên Hợp tác xã với 13 ao nuôi cá bổi, dù đã tranh thủ thu hoạch cá bán vào dịp tết, song vẫn lỗ gần 80 triệu đồng. Trước thực tế trên, nông dân không còn mặn mà với đối tượng nuôi này”.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện U Minh, cách đây hai năm, toàn huyện có khoảng 10ha diện tích nuôi cá bổi trong dân; tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt xâm nhập mặn, hạn hán cùng với giá cá bổi thương phẩm bấp bênh, nhiều hộ không còn thiết tha nuôi, nên năm 2016 diện tích nuôi chỉ còn 1ha.
Cá bổi thương phẩm vùng Cần Thơ, Đồng Tháp có màu trắng, mập, khi chế biến thành khô màu sắc bắt mắt hơn, mua vào với giá rẻ hơn nên được các thương lái, cơ sở chế biến khô ưu tiên mua.
SỨC ÉP TỪ CÁ BỔI NGOẠI TỈNH
Theo anh Danh Nại, vừa là hộ nuôi, vừa là chủ cơ sở làm khô cá bổi ở ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây: Gần đây, cá bổi từ các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ đổ về với giá rẻ, gây sức ép lớn đối với cá bổi thương phẩm nội tỉnh. So với cá bổi vùng trên, cá bổi trong tỉnh thời gian nuôi kéo dài gấp đôi, chi phí thức ăn cao hơn, rủi ro cao hơn, tuy chất lượng cá thương phẩm ngon hơn nhưng với giá thấp như cá vùng trên, người nuôi cá trong tỉnh không có đường lãi. Bản thân gia đình anh Nại, với 6 ao cá bổi thương phẩm, dịp tết rồi đã thu hoạch 1 ao, tự chế biến cá khô bán lại mà còn lỗ, huống chi hộ nuôi cá thương phẩm. “Năm 2015, gia đình tôi vay vốn ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư nuôi cá, năm nay chắc chắn lỗ khoảng 100 triệu đồng, khả năng trả nợ rất khó khăn”, anh Nại nói.
Ông Danh Dưỡng, hộ thu mua và chế biến cá khô bổi ở ấp Đá Bạc A, cho biết: “Làm kinh doanh nên mặt hàng nào giá mềm, có lãi cao hơn thì chúng tôi ưu tiên mua. Cá bổi vùng trên, do sống ở nước ngọt nên thân cá trắng, mập, khi chế biến khô thành phẩm màu sắc bắt mắt hơn; tuy nhiên so về chất lượng thì cá nội tỉnh sẽ ngon, dai hơn do thời gian nuôi lâu hơn. Riêng về chuyện nuôi cá bổi, năm nay tôi và hầu hết hộ dân nuôi cá ở xã đều lỗ. Với 10 ao cá thương phẩm thu hoạch vào dịp Tết, chế biến thành khô bán lại mà tôi còn lỗ trên 50 triệu đồng”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, ông Trần Thanh Hải thông tin, toàn huyện có 217ha nuôi cá bổi, chủ yếu tập trung ở các xã: Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Khánh Bình Đông… Đến thời điểm này, trong dân chỉ mới thu hoạch được 95ha; phần còn lại vì sợ lỗ, bà con chọn phương án nuôi cầm cự chờ giá. Trước thực tế trên, Hội cũng như các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nuôi đối tượng này ào ạt, khi cung lớn hơn cầu sẽ mất giá, ảnh hưởng đến thu nhập. Đồng thời kiến nghị cấp trên có giải pháp thiết thực, định hướng cây trồng vật nuôi phù hợp giúp người dân ổn định cuộc sống.
Có một nghịch lý là dù giá cá bổi thương phẩm tại đầm “rẻ như bèo”, song giá cá bổi bán tại chợ vẫn cao, bình quân từ 50 - 70 ngàn đồng/kg, tùy cỡ cá. Suy cho cùng, chịu thiệt nhất vẫn là nông dân và người tiêu dùng.
Việc cá bổi ngoài tỉnh “lấn sân” cá bổi địa phương không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế người dân, mặt khác còn ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cá bổi U Minh, Trần Văn Thời vốn có tiếng nhiều năm qua. Vấn đề này cần có giải pháp của chính quyền các cấp và ngành chức năng.