Bài vè nước lụt
Ông Liêm Châu nói do vùng đồng bằng vào mùa lụt nước ngập phủ đường sá, cầu cống nên những nhân công ở Sở Trường Tiền (Sở Xây dựng và Cầu đường) thất nghiệp. Buồn tình, nhiều nhân công ngồi túm tụm cùng dân nghèo thở than rồi đặt ra bài vè nước lụt tả cảnh ảo não tai ương mùa nước dữ. Theo thời gian, bài vè bị quên lãng xa lạ cùng đời sau. Mê nghiên cứu nên ông Châu đã chép tay giữ cẩn thận bài vè, trong đó có những câu thương tâm: Thình lình tháng 8 đầu trăng/nước đâu tuôn tới chảy phăng tới hoài/ban đầu nước chảy sông ngoài/sau vô rạch nhỏ chảy đầy ruộng nương... nhà nào cất chắc thì may/cái nào cột yếu gió lay đong đùa/áo quần rách nát te tua/đồ đạc hư bể như cua gãy càng/Trường Tiền thôi mới lịnh tràng/cấm xe lên xuống sợ đàng rủi ro... nhơn dân luôn những thảm sầu/vịt gà heo củi bán nhầu kể chi/hai hàng lụy nhỏ lâm li/lúa ngập tới đọt còn gì mà mong... hàng hóa thì bán giá cao/kẻ nghèo tiền ít biết sao mua xài/thấy đời chán nản ngán ngơ...
Bài vè ấy nói lên toàn cục vùng châu thổ trong mùa nước lụt đời xưa. Ở các nơi đầu nguồn Tân Châu, An Phú (An Giang), nước tràn về trắng đồng, làng mạc chìm trong bể nước, nhà cửa bị ngập cột vách lung lay người dân phải di tản sợ nước lũ cuốn sập nhà, sợ đất sụt gây chết người. Ngay cả các vùng cao như Bảy Núi cũng bị ngập lụt. Ông Trần Hữu Phước (81 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND H.Thoại Sơn, An Giang) nhớ lại: “Vùng đất này cao lắm nhưng lụt lớn vẫn ngập, lúc đó người dân kéo lên núi Thoại Sơn chờ nước rút, có những năm lụt lớn tới độ ghe tàu lớn chạy tới rước dâu tấp vào ngọn núi mà không bị vướng víu gì”.
Ở Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Phú Lộc, Châu Phong, Vĩnh Hậu thuộc Tân Châu lúc đó nước lớn nhiều nhà sàn cao hơn 4 thước nhưng nước ngập tràn nhà nên người ta phải kéo nhau lên gò cao che chòi ở. Còn ở H.Tri Tôn, nhà cửa bị ngập nặng nên người dân phải bế bồng lên núi cao chờ nước rút.
Trọng Bình, làm ở Báo Nông thôn ngày nay sinh trưởng ở vùng lũ từ nhỏ, quen với nước lụt là thế, nhưng lúc vừa vào nghề cầm máy quay cho tới nay đã hàng chục năm, Bình vẫn bị ám ảnh bởi cái chết “xóc chéo” trong lũ. Đó là năm 2000, xã Phú Lộc, Lê Chánh... bị nước lớn bủa vây nên nhiều người già trẻ té sông chết. Bình nhớ lại: “Không có đất chôn nên người thân bó xác người chết bằng nhiều lớp bọc ni lông treo trên cây nhưng vẫn bị côn trùng, chim chóc tới rỉa thủng bọc. Xác người treo ngấm mùi mưa nắng bốc lên tanh tưởi một vùng, nước vàng rỉ từ xác rơi lỏn tỏn xuống nước, kéo cá bu tới đớp. Lúc nhỏ tôi nghe kể nhiều về chuyện này nhưng không ngờ thực tế lại đáng sợ và đau lòng quá, lúc đó quên cả sợ hãi, tôi lội nước tới quay cận cảnh”. Đoạn phim ấy khi phát sóng trên các đài đã gây xúc động.
Kênh Ông Kiệt
Các cựu lão nói nếu không có kênh Ông Kiệt thì ngập lụt vẫn còn đe dọa. Công ấy do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 làm đường thoát cho nước lũ rút ra biển Tây. Kênh T5 bắt đầu từ xã Lạc Quới (H.Tri Tôn, An Giang) chạy dài tới H.Hòn Đất (Kiên Giang) được người dân gọi thân thương là kênh Ông Kiệt. Năm 2009, kênh T5 đã được HĐND tỉnh An Giang chính thức đặt tên kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia ông ngay đầu kênh ở xã Lạc Quới ghi nhận công lao to lớn với dân. Kênh T5 biến đổi vùng đất đầy nước đỏ, chua phèn, muỗi mòng của Tứ giác Long Xuyên (TGLX) rộng lớn trên 470.000 ha thuộc An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ thành vựa lúa miền Tây.
Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) trong hội thảo khoa học 20 năm khai thác, phát triển kinh tế xã hội vùng TGLX tổ chức cuối năm 2012, thuật lại như sau: Mùa khô năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đích thân cùng các nhà khoa học đi khảo sát toàn vùng TGLX và các tuyến kênh tìm cách thoát lũ ra biển Tây, rước ngọt và rửa phèn cho TGLX. Lúc này, một số tuyến kênh như kênh Tám Ngàn và kênh T6 trong vùng TGLX đã đào xong nhưng chưa thông tuyến nên không rửa phèn hiệu quả, ngập lụt diễn ra vẫn phức tạp. Sau khảo sát và lấy ý kiến các nhà khoa học, ngày 22.4.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho khởi công đào kênh, huy động sức người hối hả hoàn thành con đê trước lũ để xả lũ nên 4 tháng sau con kênh T5 hoàn thành với tổng chiều dài 36.700 m, mặt rộng từ 30-36 m, đáy 20 m, tổng khối lượng đào 5.608.000 m3 đất đem đắp nền giao thông và tuyến dân cư, tổng kinh phí gần 98 tỉ đồng.
Có thể nói kênh Võ Văn Kiệt là con kênh đào hoàn thành nhanh nhất trong lịch sử kênh đào Việt Nam. Cùng với các tuyến kênh khác như T4, T5, kênh Tám Ngàn..., kênh Võ Văn Kiệt đã dẫn nước lũ từ sông Hậu thoát ra biển. Lượng phù sa vun đắp cho TGLX đã đẩy lùi phèn chua, người dân các nơi kéo đến lập nghiệp tạo nên làng mạc sung túc...
Những năm lũ lớn kinh hoàng gây chết người, thiệt hại tài sản ở An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung như năm lũ 1966 mực nước đo được ở Tân Châu là 5,28 m và Châu Đốc là 4,84 m làm chết 68 người, 82.000 ha lúa và hoa màu thiệt hại. Lũ năm 1991 nước đo tại Tân Châu cao 4,50 m và vùng ĐBSCL có 158 người chết, 197.477 căn nhà hư hỏng, thiệt hại các thứ trên 2.217 tỉ đồng. Lũ năm 1994 mực nước tại Tân Châu cao 4,67 m và Châu Đốc là 4,26 m làm vùng ĐBSCL có 407 người chết, 505.906 căn nhà hư hỏng. Lũ năm 1996 nước đo ở Tân Châu cao 5,03 m và Châu Đốc là 4,7 m, vùng ĐBSCL có 217 người chết, 78.859 căn nhà hư hỏng, tổng thiệt hại trên 2.182 tỉ đồng.