Lợi thế tiềm năng
Tại huyện Đam Rông, nghề nuôi cá nước lạnh như cá tầm đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập từ các mô hình nhỏ lẻ hộ gia đình với quy mô nuôi khoảng 1.000 - 5.000 con cá thương phẩm. Các hộ này đã chủ động dẫn nước từ suối về nuôi trên những ao bạt, bể composite có hệ thống dẫn nước vào ra liên tục để đảm bảo nhiệt độ và hàm lượng oxy cho đàn cá.
Được biết đến là người nuôi cá tầm nhiều nhất huyện, ông Huỳnh Ngọc Thu, xã Rô Men có diện tích nuôi cá lên đến trên 1 ha. Hiện ông Thu đã xây dựng được 22 bể composite ương cá giống và 20 bể nhỏ, mỗi bể 16 m3 để nuôi cá. Các giống cá trong trang trại của ông chủ yếu là các giống cá tầm có nguồn gốc nhập khẩu như: Siberi, cá tầm Nga và cá tầm lai.
Để có được nguồn giống tốt, ông Thu nhập trứng đã thụ tinh từ Nga về ấp nhằm chủ động nguồn giống. Trứng được ủ trong lồng, giữ nhiệt độ ổn định 15 - 16 độ C; đồng thời tạo nguồn nước đẩy vào lồng ấp, phun từ dưới lên gây áp lực liên tục suốt trong 75 ngày thì cá mới nở. Thời gian nuôi cá tầm thương phẩm từ 12 - 18 tháng, trọng lượng đạt từ 1,8 - 2,5 kg/con. Sản phẩm được hợp đồng và xuất bán đi các thành phố lớn.
Theo ông Thu, năng suất nuôi cá tầm đạt 10 - 15kg/m3, với giá bán hiện tại khoảng 170.000 - 200.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận trung bình khoảng 1,2 - 2 triệu đồng/m3/vụ nuôi.
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, việc nuôi cá tầm là mô hình rất mới, bước đầu một số hộ đã có cá thương phẩm xuất bán ra thị trường với lợi nhuận khá cao. Toàn huyện có 5 doanh nghiệp và 7 hộ dân đang nuôi cá tầm, với tổng diện tích trên 3 ha, sản lượng đạt trên 300 tấn/năm.
Hiện địa phương đang khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đầu tư nhân rộng mô hình nuôi cá tầm. Các hộ dân gần khu vực suối Nước Mát, xã Rô Men cũng đang mạnh dạn khảo nghiệm, phát triển đầu tư nuôi cá tầm, bước đầu cho thu nhập tốt. Gần đây, huyện cũng đã tạo điều kiện cho các hộ thành lập một hợp tác xã nuôi cá tầm tại xã Rô Men.
Còn tại huyện Lạc Dương, ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp cho biết, toàn huyện có diện tích nuôi cá nước lạnh là 16,1 ha. Do chi phí đầu tư rất lớn nên diện tích nuôi cá tầm trong huyện những năm qua không tăng, việc nuôi cá tầm hầu hết do doanh nghiệp đầu tư, riêng hộ nông dân cá thể nuôi với diện tích không đáng kể.
Tiềm ẩn rủi ro
Sau nhiều năm nỗ lực phát triển, đến nay cá nước lạnh đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận trở thành sản phẩm đặc thù. Theo đó, nghề cá nước lạnh có sự phát triển tăng về diện tích, một số doanh nghiệp lớn đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước để nâng cao năng suất, chất lượng cá nước lạnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước lạnh trong tỉnh hiện nay đang bộc lộ những tồn tại, bất cập, trong đó, quy hoạch phát triển là bài toán lớn nhất chưa có lời giải. Theo ông Nguyễn Văn Chính, huyện Đam Rông có điều kiện tự nhiên lý tưởng cho việc nuôi cá tầm, đặc biệt là tại xã Rô Men có địa bàn Thôn 1 và Thôn 2 nằm ở thượng nguồn của dòng suối Nước Mát, nhiệt độ quanh năm mát lạnh, dòng nước trong lành chưa bị ô nhiễm là môi trường thuận lợi cho loài cá này phát triển. Tuy nhiên, cá tầm là một loài khó nuôi và đòi hỏi kỹ thuật cao trong chăm sóc nên cần đặc biệt lưu ý đến nhiệt độ nước, mức độ ô nhiễm nguồn nước cũng như các biện pháp để khắc phục, tránh thiệt hại về kinh tế.
Chung nhận định trên, ông Nguyễn Trọng Cự, Giám đốc Hợp tác xã Cá tầm Việt Đức cho rằng: Nghề này nghe có vẻ “ngon ăn” nhưng cũng gặp không ít cay đắng. Với đặc thù là loài cá sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước đòi hỏi có dòng chảy, do đó vào mùa mưa khi có lũ tràn về, vấn đề an toàn của các hồ cá này là một bài toán cần phải có sự tính toán kỹ.
Hiện giờ dòng chảy của các con suối trên địa bàn huyện biến động không ngờ, lũ ào về nhanh cuốn trôi tất cả. Trong những năm qua, không ít trường hợp người nuôi cá tầm trên địa bàn bị vỡ hồ, hoặc cá bị chết do sặc nước mỗi khi có lũ tràn về, trong khi người nuôi không nghiên cứu kỹ sự ổn định của nguồn nước, dẫn đến nhiều nhà trắng tay trong tích tắc.
Chưa vội mở rộng quy hoạch
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh, hiện nay, Lâm Đồng có hơn 380 ha chăn nuôi cá nước lạnh, tăng 18 ha so với năm 2017, với tổng vốn đầu tư khoảng 896 tỷ đồng do 25 đơn vị, trong đó 19 thành viên thuộc Hiệp hội đầu tư. Dự kiến năm 2019, sản lượng cá nước lạnh địa phương ước đạt 1.250 tấn với các hình thức nuôi như trên lồng bè, ao, bể lót bạt, bể composite. Đồng thời, toàn tỉnh sản xuất được khoảng 1.500 kg trứng cá và 1,5 triệu con cá giống. Tuy nhiên, việc chăn nuôi cá nước lạnh cũng gặp không ít khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là lũ lụt khiến nước bẩn tràn ao gây chết cá. Cụ thể, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 mới đây, một doanh nghiệp nuôi cá tầm tại xã Lát thiệt hại gần 300 tấn cá với số tiền lên đến hơn 50 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh, chính vì độ rủi ro trong đầu tư nuôi cá nước lạnh cao, nên người dân vay vốn đầu tư phải hết sức cẩn trọng. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường đòi hỏi phải có nguồn nước tốt và phải có tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với việc đầu tư chăn nuôi.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh cũng chưa điều chỉnh để tăng diện tích quy hoạch nuôi cá nước lạnh vì có một số nguyên nhân. Thứ nhất, việc nuôi cá nước lạnh đều ở vị trí có nguy cơ thiên tai cao, mất an toàn cho cả sản xuất và con người. Thứ hai, nguồn tài nguyên nước ở những nơi có đủ điều kiện cũng đã không còn.
Để khắc phục những khó khăn mà nghề nuôi cá nước lạnh đang gặp phải, giải pháp chủ yếu là nâng cao năng suất, đưa khoa học công nghệ vào để nuôi với mật độ cao hơn, tăng sản lượng lên nhưng không mở rộng về quy mô và diện tích. Đối với những vùng thực sự có nguy cơ cao về thiên tai thì khuyến cáo người dân và cảnh báo chính quyền địa phương có biện pháp cưỡng chế để người dân không chăn nuôi ở vùng này.