Thế nhưng, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018, ngành thủy sản đã quyết tâm đạt mục tiêu mang về 9 tỉ USD từ xuất khẩu thủy sản và khẳng định “hoàn toàn có thể đạt được”!
Thêm một “đại gia thủy sản” lỗ hàng trăm tỉ đồng
Mới đây, sau khi kiểm toán báo cáo tài chính, doanh nghiệp (DN) được coi là niềm kiêu hãnh của xuất khẩu cá tra - Cty CP Hùng Vương có khoản lỗ ròng hơn 705 tỉ đồng thay vì lỗ 63 tỉ đồng như báo cáo DN tự lập trước đó. Tại báo cáo tài chính quý IV năm tài chính 2017 (theo niên độ báo cáo của Hùng Vương) do DN tự lập, Hùng Vương ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.864 tỉ đồng, và lỗ gần 63 tỉ đồng.
Thế nhưng, trong báo cáo kiểm toán mới được công bố, doanh thu thuần của Hùng Vương đã giảm hơn 350 tỉ đồng và lỗ thêm 642 tỉ đồng. Cùng với đó, khoản lãi lũy kế của công ty đã chính thức đẩy xuống con số âm. Nguyên nhân khiến con số thua lỗ tăng vọt của DN này là do chi phí quản lý của Hùng Vương lên tới 756 tỉ đồng, trong khi báo cáo tự lập của Cty chỉ là 211 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán mới nhất, năm vừa qua, Hùng Vương thu về 15.515 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận khoản lỗ ròng sau thuế lên tới 705 tỉ đồng, năm trước công ty lãi gần 10 tỉ đồng.
Ngoài kết quả doanh thu giảm sút khiến lợi nhuận gộp giảm 20% chỉ còn 1.080 tỉ đồng, nguyên nhân dẫn đến kết quả thua lỗ của Hùng Vương còn là hàng loạt chi phí tăng mạnh. Riêng chi phí quản lý DN đã tăng gấp gần 3 lần do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỉ đồng.
Cách đây 2 năm, Minh Phú cũng bị thua lỗ thê thảm không phải bởi không tìm kiếm được thị trường, mà do không thể chịu đựng được sức ép của tỉ giá. Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú tại thời điểm đó cũng bày tỏ về những bất lợi, khó khăn và những vấn đề “ngoài kiểm soát” của DN, trong đó có “đòn” tỉ giá, khi thời điểm đó (năm 2015) khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia phá giá đồng tiền quá mạnh.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn theo kìm giữ tỉ giá VND so với USD, khiến hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó lòng cạnh tranh với các quốc gia nói trên. Các DN từ các quốc gia nói trên đã chào bán tôm vào thị trường Mỹ với mức giá rẻ “không thể tin được”, kéo theo giá tôm trên thị trường thế giới giảm 30% trong nửa đầu năm 2015 - đó là điều mà Minh Phú trước đây chưa từng tiên liệu.
Xuất khẩu 60 tấn thủy sản đầu tiên cho năm 2018
Trở lại với hiện tại, mặc dù một số “đại gia” thủy sản bị ngã ngựa, nhưng ngành thủy sản năm 2017 đã tăng trưởng ngoạn mục với giá trị xuất khẩu đạt 8 tỉ USD. Đây chính là tiền đề để ngành NNPTNT nói chung và ngành thủy sản nói riêng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2018 đạt 8-9 tỉ USD.
Điều này càng được khẳng định vững chắc khi cách đây 2 ngày, tại Cảng Cát Lái - Tân Cảng TPHCM, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã nhấn nút khởi động xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu tiên năm 2018 với 60 tấn, gồm 20 tấn tôm đông lạnh, 20 tấn cá biển và 22 tấn cá tra phi lê có tổng giá trị gần 600.000 USD, xuất khẩu sang 3 thị trường: Canada, Mỹ và Anh. Đây cũng là những thị trường lớn, truyền thống của ngành thuỷ sản Việt Nam.
Ông Ngô Văn Ích - Chủ tịch VASEP - cho rằng, sự kiện này như 1 lời cam kết, đánh dấu sự bắt đầu cho hành trình tiến tới mục tiêu 10 tỉ USD xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào năm 2020. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên cột mốc mới về giá trị xuất khẩu, được giao chỉ tiêu là 8,5 tỉ USD. Sáng 16.1, trao đổi với PV Báo Lao Động, Quyền Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản Nguyễn Ngọc Oai tự tin khẳng định: “Con số này hoàn toàn có khả năng đạt được”!
Sáng 16.1, chỉ đạo về đinh hướng phát triển ngành thủy sản năm 2018, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt mục tiêu 40 tỉ USD trong năm nay, ngành thủy sản cần phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 9 tỉ USD.
Những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay là ngành cần tập trung phát triển sản xuất ngay những tháng đầu năm, cùng với đó là hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2017. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh: Cần khắc phục thẻ vàng IUU để việc xuất khẩu thủy sản sang EU thông suốt trở lại.
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, bên cạnh nỗ lực của DN, Nhà nước cần hỗ trợ DN các chính sách về vốn vay, cơ chế kinh doanh…, để các DN phát triển bền vững chứ không phải là những DN lớn mạnh, “vang dội” vài năm rồi dần bị thị trường đào thải, thậm chí bị “bóp chết”.