Tại hội nghị về kiểm soát ngăn chặn tạp chất vào tôm vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại tỉnh Cà Mau, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, nạn bơm chích tạp chất vào tôm diễn ra từ nhiều năm qua, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang chưa được xử lý triệt để. Thời điểm bùng phát tình trạng này thường vào lúc khan hiếm nguyên liệu tôm.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, trong năm 2016, tỉnh này đã tiến hành 64 đợt kiểm tra, phát hiện 57 vụ vi phạm, với gần 12.000 ký tôm có chứa tạp chất. Ngành đã xử phạt vi phạm hành chính trên 1,740 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2015 đã xử lý 32 vụ, với hơn 4.000 ký tôm có chứa tạp chất.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, 3 năm qua, tỉnh này tiến hành kiểm tra 100 lượt, phát hiện 44 trường hợp vi phạm, với số lượng tôm có chứa tạp chất hơn 6,9 tấn, xử phạt trên 2,1 tỷ đồng. Chỉ trong thời gian kiểm tra cao điểm vào cuối tháng 8/2016, ngành chức năng của tỉnh này đã phát hiện đến 9 cơ sở bơm tạp chất vào tôm.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, do siêu lợi nhuận từ việc bơm tạp chất đã khiến một số cá nhân bất chấp pháp luật, thực hiện hành vi bơm chích tạp chất ngày càng tinh vi hơn. Việc bơm tạp chất không chỉ diễn ra ở các tụ điểm, địa lý thu gom mà ngay cả trong các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Chính việc này đã gây bức xúc trong xã hội, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, cũng như một số thị trường cảnh báo phát hiện tôm chứa tạp chất, đã ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vấn đề tạp chất trong tôm, theo Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (A86, Tổng cục An ninh, Bộ Công an), vấn nạn bơm tạp chất vào tôm đã dẫn đến nhiều hệ lụy xấu về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế trên lĩnh vực thủy sản.
Đại diện A86 cho biết, năm 2016, A86 đã phối hợp với một số đơn vị liên quan và cơ quan chức năng các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu tiến hành kiểm tra và đã bắt quả tang 3 cơ sở, 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hành vi bơm chích tạp chất vào hàng trăm ký tôm nguyên liệu.
Theo A86 đánh giá, việc xử lý vi phạm bơm tạp chất vào tôm tại một số thời điểm còn vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu do chưa có cơ chế phối hợp, ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa các đoàn liên ngành Trung ương và địa phương. Như khi phát hiện cơ sở vi phạm tôm tạp chất, đoàn liên ngành có đề nghị cơ quan chức năng địa phương thì không thấy có sự phối hợp mà có biểu hiện né tránh, không tiếp nhận xử lý, từ đó, dẫn đến doanh nghiệp không hợp tác, thậm chí có thái độ coi thường cơ quan chức năng.
“Trong khi đó, cơ chế, hình thức xử lý chưa đảm bảo tính răn đe. Hình thức xử lý chủ yếu phạt tiền, với khung hình phạt thấp, thiếu các chế tài xử lý bổ sung, nên sau khi bị phạt, các đối tượng vẫn tiếp tục vi phạm với mức độ tinh vi hơn”, báo cáo của A86 đánh giá tồn tại.
Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, dù đã rất nỗ lực trong việc kiểm tra, phát hiện xử lý tình trạng bơm tạp chất vào tôm, nhưng tình hình vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Khu vực tổ chức bơm tạp chất chủ yếu tập trung ở những vùng nông thôn sâu, với nhiều phương thức khác nhau. Các đối tượng này còn chủ động tách hàng hóa ra từng lô nhỏ lẻ để vận chuyển nhằm hạn chế thiệt hại cũng như sẵn sàng chống trả, tẩu tán hàng hóa khi bị cơ quan chức năng phát hiện.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động sản xuất, kinh doanh bơm tạp chất với trang bị và bảo vệ nghiêm ngặt nên gây khó cho cơ quan chức năng khi kiểm tra. Trong khi đó, một số nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh Cà Mau chưa quyết tâm “nói không với tạp chất” nên còn tình trạng tổ chức, cá nhân bơm chích, cung ứng sản phẩm tôm tạp chất.
Tôm bị bơm tạp chất là một vấn nạn cần xử lý triệt để trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Để giảm thiểu tình trạng bơm tạp chất vào tôm, theo A86, Bộ NN&PTNT cần rà soát lại toàn bộ các quy định xử lý hành vi vi phạm về bơm tạp chất. Cần thiết ban hành mới hoặc bổ sung hình thức xử phạt trong các quy định hiện hành, đảm bảo tính răn đe, đặc biệt với các đối tượng vi phạm là doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương trong phát hiện, xử lý vi phạm, tránh đùn đẩy, né tránh.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các tỉnh trọng điểm cùng ngồi lại ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm. Nếu địa phương nào để xảy ra có tôm tạp chất, thì người đứng đầu tỉnh đó phải chịu trách nhiệm.