Tìm cơ hội trong thách thức…
Từ TP. Móng Cái (Quảng Ninh), đi hơn 10 km là đến khu 9, phường Hải Hòa- nơi tập trung những ao tôm của ông Bùi Ngọc Liêm. Dẫn chúng tôi đi thăm những ao tôm nối tiếp, kéo dài ra phía bờ biển, ông Liêm cho biết: Mặc dù sinh ra ở vùng biển (Giao Thủy, Nam Định) nhưng ông đến với nghề nuôi tôm rất tình cờ.
Năm 2001, hay tin Móng Cái sẽ thực hiện Dự án quốc phòng 327, với mục đích đưa dân ra vùng biên làm kinh tế để giữ biên, ông Liêm là một trong những người đầu tiên đăng ký. “Khi đó, nghề nuôi tôm cũng đã phát triển tại một số nơi, sau nhiều năm kinh doanh, sẵn chút vốn trong tay, nên tôi cũng muốn thử sức mình…”.
Với ông Liêm, tiêu chuẩn 2 ha để nuôi trồng hải sản khi ấy là quá ít, trong khi với các hộ không chủ động về tài chính, 2 ha lại quá nhiều. Chính vì vậy, ông Liêm đã mua lại tiêu chuẩn của một số hộ, gom lại được gần 10 ha.
Đường vào trang trại nuôi tôm của ông Liêm giờ đây đã trải nhựa, ôtô tải chạy bon bon, điện lưới kéo đến tận nơi… "Nhưng hơn 10 năm trước, khi ông Liêm khởi nghiệp nuôi tôm tại đây, bốn bề vẫn là lau sậy mênh mông, với những con đường mòn nhỏ hẹp, từ trạm biến áp hiếm hoi đi mỏi chân mới đến nơi dự định làm ao tôm. Điện lưới khi ấy đối với nhiều xã của Móng Cái còn là xa xỉ, nói gì đến điện thắp sáng phục vụ nuôi tôm"- ông Liêm nhớ lại.
“Không 1 chút kiến thức nuôi tôm trong tay, khởi sự bằng cả 100.000m2 đất ven biển ngập đầy lau sậy, ông không sợ mình sẽ gặp rủi ro sao?” Băn khoăn của chúng tôi ngay sau đó được ông Liêm giải đáp bằng những câu chuyện không liên quan gì đến con tôm.
Thì ra, người đàn ông giản dị, mộc mạc ngồi trước mặt chúng tôi đã từng xuống tàu cùng đồng đội tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây (Trường Sa) ngày 14/4/1975; ông cũng là 1 trong những chiến sĩ tình báo trung dũng, kiên cường, mưu trí sáng tạo của Tổng cục II (Bộ Quốc phòng); là một kỹ sư chế tạo máy tốt nghiệp Đại học đường thủy…
“Con đường binh nghiệp của tôi kết thúc năm 1984, khi tôi chuyển ngành sang làm cán bộ vật tư TP. Nam Định. Đến năm 1991, cơ chế bao cấp không còn, tôi quyết tâm ra Móng Cái để mưu sinh”.
Những ngày đầu thuê trọ ở Móng Cái, ông Liêm sang tận Trung Quốc tìm kiếm nguồn hàng (giấy dầu, quốc xẻng, gạch men) sau đó nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái. "Do là những người đầu tiên nhập khẩu các mặt hàng này, nên năm 1996, tôi đã mua được nhà. Năm 2001, khi quyết định mua đất để nuôi tôm, tôi đã là một “đại gia nho nhỏ ở Móng Cái" - ông Liêm cười rất tự tin.
Không chỉ kinh doanh tại Móng Cái, vợ chồng Liêm còn đầu tư trồng cả chục ha ca phê tại Tây Nguyên. “Cà phê cho thu hoạch khá tốt, nhưng vì xa xôi lại không có người quản lý, nên tôi đành bán lại cho người khác”- ông Liêm tiếc rẻ.
Đầu tư để... giảm rủi ro
Với ông Liêm, nghề nuôi tôm không đơn giản nhưng cũng không khó. Sau 2 năm đầu nuôi tôm sú, phụ thuộc vào tư vấn kỹ thuật người Trung Quốc, năm 2004, ông Liêm cùng nhiều hộ chủ động học kinh nghiệm qua mạng internet, qua thực tế và thực sự trở thành những ông chủ của các ao nuôi tôm chân trắng- loài hải sản đem lại những bước nhảy vọt về lợi nhuận cho người nuôi tôm ở châu Phi. “Với công nghệ hiện tại, cho ăn bằng máy và có kỹ thuật nuôi chuẩn, 80 đến 84 ngày tôm chân trắng đã cho thu hoạch. Nếu thành công lãi thu về từ 100 – 150%. Vốn quay vòng rất nhanh” – ông Liêm khẳng định.
Cũng theo ông Liêm, để thu về tiền tỷ mỗi năm, người nuôi tôm chân trắng phải xác định: “Đầu tư tỉ lệ nghịch với rủi ro”. Với việc nghiên cứu, đầu tư căn cơ cho hạ tầng ao, con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi… hơn 10 năm nuôi tôm, ông Liêm chỉ có duy nhất 2 năm hòa vốn; các năm khác đều lãi từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Sau nhiều đêm thức trắng, giật mình thon thót, choáng váng khi thấy tôm bơi lừ đừ, đến nay ông Liêm đã có thể cảm nhận rõ thể trạng sức khỏe, chủ động xử lý các bệnh của tôm; nắm bắt được thời điểm nào thu hoạch để bán tôm được giá… Ông khẳng định, nguồn cung tôm trên thế giới còn lâu mới đuổi kịp cầu. Trong nhiều năm nữa, thị trường Trung Quốc (đang thu mua gần 100% tôm của Móng Cái) vẫn sẽ khát tôm. Chính vì vậy, ông Liêm đã dám “vứt” mấy chục tỷ đồng xuống hơn 11 ha nuôi tôm và sẽ còn tiếp tục đầu tư khi có điều kiện.
"Sau những thành công từ việc chia nhỏ ao để hạn chế rủi ro, hiện tôi và nhiều hộ nuôi ở Móng Cái đã láng toàn bộ bê tông đáy ao và làm mái che để có thể nuôi tôm 2-3 vụ/năm" - ông Liêm nói và chỉ xuống ao tôm có đáy láng xi măng phẳng như hồ bơi. Với những chiếc ao như thế này, khả năng thu về 4-5 tỷ đồng tiền lãi/năm từ nuôi tôm, với ông Liêm là “trong tầm tay”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch TP.Móng Cái:
“Mới đây, ông Liêm là 1 trong 2 hộ nuôi tôm của Móng Cái đã nhận được chứng nhận của VietGAP. Không chỉ là một trong những “đầu tàu” về đầu tư, đưa khoa học công nghệ tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi tôm và cá song tại vùng biên giới, với vai trò Chủ tịch Hội nghề cá TP. Móng Cái, ông Bùi Ngọc Liêm còn là người chắp mối giữa cơ quan nhà nước và hộ nuôi, góp phầm đảm bảo cho ngành nuôi trồng thủy sản của Móng Cái phát triển bền vững”.