Trong một thông báo, Cơ quan Khí quyển và Đại Dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ cho biết diện tích vùng "nước chết" (khu vực không có khí ôxy cho các sinh vật biển sinh sống) tại vịnh Mexico có thể lên tới 22.172km2, gần bằng diện tích bang New Jersey của Mỹ.
Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 7.482km2 đo được trong năm ngoái.
Các vùng "nước chết" độc hại với đời sống thủy sinh hình thành bởi tình trạng ô nhiễm phân bón hóa học quá mức từ phát triển nông nghiệp. Chúng cũng chịu tác động của các điều kiện thời tiết như lượng mưa, gió và nhiệt độ.
NOAA cho rằng các dự báo về vùng "nước chết" tại vịnh Mexico năm nay phản ánh tình trạng lũ lụt gia tăng tại miền Trung Tây nước Mỹ, khiến một khối lượng lớn phân bón từ lưu vực sông Mississippi bị đẩy theo nước lũ trôi ra vịnh Mexico.
Các nhà khoa học cũng cho biết đây chưa phải là con số cuối cùng bởi trong trường hợp tại khu vực vịnh Mexico xảy ra một cơn bão nhiệt đới mạnh trong khoảng thời gian tháng 7, tháng 8 tới thì diện tích vùng "nước chết" sẽ giảm xuống còn 13.841km2.
Hiện tượng vùng "nước chết" tại vịnh Mexico không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật mà còn gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực câu cá thương mại và giải trí và đe dọa nền kinh tế khu vực.
Trong 5 năm qua, diện tích trung bình của các vùng "nước chết" này vào khoảng 14.000km2.
Diện tích vùng "nước chết" lớn nhất được ghi nhận ở vùng biển ngoài khơi các bang Louisiana, Texas, Florida của Mỹ và Mexico vào năm 2002 với diện tích 21.965km2.