Loay hoay với quy định mới
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc rà soát, giải quyết các vướng mắc về TTHC đã được cải thiện hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt công tác này. VASEP cũng đã thành lập Nhóm Vận động chính sách (VĐCS), với 160 cán bộ. Từ khi thành lập, nhóm VĐCS đã được sự hỗ trợ tích cực của Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) – Thư ký Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.
Là hiệp hội của ngành xuất khẩu lớn, VASEP rất quan tâm đến cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan, trong đó phải kể đến thủ tục về hải quan điện tử và thủ tục xuất nhập khẩu (XNK). Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng xung quanh nỗ lực về cải cách TTHC của các Bộ, ngành, địa phương hiện vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập do các quy định cũ và mới còn chồng chéo lẫn nhau.
“Chẳng hạn, thời gian qua chúng tôi có tiếp nhận phản ánh của nhiều DN hội viên về bất cập trong việc áp mã HS đối với các lô sản phẩm thủy hải sản phối trộn đông lạnh (seafood mix) xuất khẩu. Dù vậy, đến nay vẫn phải chờ hướng dẫn giải quyết của Bộ Tài chính”, ông Hòe dẫn chứng.
“Một số mặt hàng nghêu, ngao (mã HS0307) thuộc mặt hàng luộc/đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó khâu “luộc” ở đây chỉ nhằm mục đích mở vỏ cứng của nghêu, ngao,… để lấy cùi thịt bên trong. Sản phẩm hoàn toàn chưa chín, nhưng khi cơ quan Hải quan kiểm tra thông quan lại khẳng định mặt hàng này thuộc mã hàng khác, là HS1605”, ông Hồ Đăng Khoa, Trưởng phòng XNK công ty TNHH Hải Nam bức xúc.
Theo ông Khoa, mã HS1605 thực sự ảnh hưởng đến hàng nhập đối với DN trong nước. Thời gian qua, nhiều khách hàng “la làng” vì người ta sẽ phải đóng thuế cao hơn bình thường nếu không may hàng hóa bị xếp vào mã HS1605.
Ông Trương Đình Hòe cho biết, khi VASEP có kiến nghị thì Bộ Tài chính có hướng dẫn (CV 2533/BTC-TCHQ) vào ngày 14/2/2015, nhưng thực sự là DN vẫn chưa thỏa mãn vì vẫn không giải quyết được các vấn đề thực tế đặt ra đối với nhóm hàng đặc thù này.
Một cán bộ Hải quan (giấu tên – PV) thừa nhận, mã HS là hình thức phân loại sản phẩm XNK theo thông lệ quốc tế, gắn liền với các quy định và trách nhiệm khác nhau về thuế đối với DN. Chính vì vậy, nếu không rà soát, chuẩn hóa để thống nhất áp dụng trong ngành hải quan thì chắc chắn sẽ gây khó cho chính DN nội địa.
Không chỉ gặp khó với áp mã HS, ông Vũ Huy Quang, Giám đốc kinh doanh công ty CP Saigon Food cũng băn khoăn vì hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về miễn thuế đối với nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Ông Quang đề nghị luật nên quy định rõ ràng việc miễn thuế đối với nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, hóa chất, bao bì, linh kiện nhập khẩu để khi xuất khẩu được miễn thuế tại thời điểm được thông quan hàng hóa.
Ông Hồ Đăng Khoa, đại diện công ty Hải Nam cũng cho rằng, nếu “gỡ khó” được quy định này thì cả DN và cơ quan Hải quan đều có lợi. DN thì không phải chịu nhiều áp lực về treo thuế, nợ thuế, không phải làm hồ sơ thanh khoản; còn ngành Hải quan thì không phải mất nhiều thời gian, công sức và nhân sự để thực hiện thêm khâu xét duyệt hồ sơ xin không thu thuế và bộ hồ sơ xin hoàn thuế của DN.
Liên quan đến việc thực hiện Thông tư 38 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan, ông Đặng Ngọc Sâm Thương, đại diện công ty TNHH Thực phẩm Amanda Food cũng thẳng thắn cho rằng, dù có tìm hiểu nhưng nhiều DN vẫn chưa hiểu như thế nào cho đúng một số quy định. Đó là chưa kể, việc thực hiện thanh khoản theo Thông tư 38 tuy là đơn giản hóa cho DN nhưng thực chất không hề đơn giản. Cụ thể, đối với biểu mẫu 15 của thông tư này thì DN không biết làm thế nào để hoàn thiện các thông tin vì rất phức tạp và cũng liên quan đến vấn đề tồn kho của DN.
Ông Trương Đình Hòe nhận định: Thông tư 38 do mới ban hành nên một số DN chưa nắm bắt kịp, do đó gặp bối rối khi thực hiện các thủ tục, kê khai biểu mẫu. Ông Hòe cho rằng, ít nhất nên có thời gian để DN kê thử thì mới có thể khai báo không để xảy ra sai sót, cũng như đảm bảo thời gian hoàn thuế cho DN.
Phiền vì “khâu thừa”
Ông Nguyễn Hữu Hiệp trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ. Ảnh: VGP/Phương Dy
Là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra vào thị trường Úc và châu Âu, chị Nguyễn Đức Anh Trâm, đại diện công ty CP Vĩnh Hoàn bày tỏ băn khoăn khi thời gian qua phải thực hiện một số “khâu thừa” khiến thời gian thông quan hàng hóa của DN bị ảnh hưởng. DN này đề nghị làm rõ hơn thủ tục thanh khoản dành cho hàng ủy thác xuất khẩu vì thông tư hướng dẫn chung chung nên DN gặp rất nhiều khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu.
Theo bà Trâm, khi DN khai báo với Hải quan thì DN lúc này chưa có số container để điền vào tờ khai nên khi DN thông quan tờ khai rồi, muốn thanh lý bãi cho hàng xuất khẩu thì lại phải nhờ Hải quan ở các cảng in tờ khai mã vạch. Sau đó, DN mới có thể thực hiện thanh lý bãi hàng hóa. Bà Trâm cho rằng, đây là “khâu thừa” và không cần thiết. Do đó, đề nghị cho DN nhập số container sau khi khai báo hải quan trên phần mềm và tạo điều kiện cho DN chủ động in tờ khai mã vạch để thanh lý hàng, không thông qua các cảng để bớt thời gian và chi phí cho DN.
“Ở cảng chỉ có 1 nhân viên in mã vạch, mà nhiều DN cùng có nhu cầu tại một thời điểm thì thời gian chờ đợi là rất lâu. Có khi DN phải chờ nhiều tiếng đồng hồ mới hoàn tất thủ tục”, bà Trâm chia sẻ.
Nhiều DN XNK thủy sản cũng phản ánh, theo thông báo của các cảng, ICD (điểm thông quan nội địa) ở TPHCM thì kể từ ngày 8/6/2015 khi thanh lý tờ khai xuất khẩu, hải quan cảng không đồng ý DN sử dụng list số container để thanh lý mà phải sử dụng list có in mã vạch in trong hệ thống. Đây lại là một “khâu thừa” khiến DN khó khăn hơn, bởi vì tờ khai đã thông quan thì DN không khai bổ sung list container được (phần mềm không chấp nhận). Trong khi đó, nếu cho phép DN được khai bổ sung list container (để in list container có mã vạch) sau khi tờ khai xuất khẩu đã thông quan thì giảm bớt được một khâu thủ tục rườm ra, gây mất thời gian cho DN.
Theo ông Trương Đình Hòe, hiện nay DN đang phải tiếp tục làm việc với Bộ Thương mại Mỹ về chống bán phá giá tại DN, kiểm tra an sinh xã hội, bảo vệ môi trường,… nay lại thêm yêu cầu kiểm tra của Hải quan về nhập xuất tồn, không thu, hoàn thuế,… Trong khi, Luật thuế XNK cũng đang cố gắng để thay đổi theo hướng tích cực về việc miễn thuế nhập khẩu cho DN. Do đó, ông Hòe đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét và tốt nhất nên bãi bỏ quy định thừa, tức quy định Hải quan đến trụ sở DN kiểm tra nhập xuất tồn và hồ sơ hoàn thuế/không thu thuế.
Cũng theo phản ánh của VASEP, hiện nay dù đã có quy định chi tiết đối với hàng tái nhập, hải quan không thu thuế nhập khẩu nhưng lại yêu cầu DN phải nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế tại thời điểm tái nhập. Tuy nhiên, sau khi DN đã nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế thì thực tế DN lại phải chờ Hải quan xử lý trong nhiều ngày. Cuối cùng, DN cũng phải nộp thuế trước để thông quan sớm.
Trao đổi với chúng tôi về những vướng mắc trong thực hiện các quy định mới trong lĩnh vực hải quan được DN phản ánh, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM nhìn nhận, dù ngành đã có những cố gắng nhưng thực tế những phàn nàn về cơ quan Hải quan thì chưa thể dứt điểm hết được. Theo ông Nghiệp, một bài toán trong cải cách TTHC thì cơ quan nào cũng mong muốn bãi bỏ bớt các thủ tục nhưng thủ tục chỉ là mặt hình thức, còn nội dung thực tế bao hàm đằng sau là luật.
Bản thân Cục Hải quan TP theo chủ trương của Chính phủ cũng đã chủ động nghiên cứu, đề nghị xóa nhiều quy trình không cần thiết. Nhưng thủ tục hải quan phát sinh hàng ngày, có những loại hàng hóa không có thủ tục nên thậm chí phải xây dựng quy trình mới.
“Chính vì vậy, việc giải quyết các bức xúc, vướng mắc cho DN vẫn sẽ là câu chuyện Cục Hải quan TP phải thực hiện song song với quá trình cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan, nói khác đi là vừa thực hiện theo luật, vừa linh động thủ tục, nhưng cũng vừa góp ý cải cách để luật ngày càng hoàn thiện hơn”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp chia sẻ.