Mặc dù hệ thống ao, đầm, hồ phục vụ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện không nhiều, song với mục tiêu duy trì ổn định năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của ngành nuôi trồng thủy sản trong cơ cấu kinh tế - xã hội của ngành nông nghiệp huyện; công tác quản lý, cải tạo, xử lý hệ thống ao, đầm phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện được chú trọng, quan tâm. Người dân tại các địa phương đã tận dụng triệt để diện tích mặt nước tại các ao, hồ và các cánh đồng trũng để nuôi thuỷ sản. Về đối tượng nuôi, trong sản xuất đại trà vẫn duy trì sản xuất với các loại cá truyền thống có chất lượng tốt và thị trường rộng, áp dụng phương thức nuôi bán thâm canh. Diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện ổn định với khoảng 500ha, đồng thời tận dụng tốt lợi thế sông Lô để tập trung nghề nuôi cá lồng. Có 75 hộ cá lồng ở 3 xã là Hùng Long, Phú Thứ, Vụ Quang với tổng số khoảng 600 lồng nuôi; các giống cá chủ đạo là lăng đen, diêu hồng, rô phi đơn tính, cá chép. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm của huyện đạt khoảng 2.600 tấn. Nuôi thủy sản có sự chuyển biến từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh; chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Trước đây, nuôi thủy sản trên địa bàn huyện quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu đầu tư về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, người dân chưa chú trọng tới môi trường nuôi cũng như các biện pháp phòng bệnh cho cá. Những năm gần đây, các địa phương đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất của người nuôi. Nhiều mô hình nuôi thủy sản được triển khai nhằm hướng dẫn người dân chăm sóc và quản lý ao nuôi, tuân thủ theo đúng quy trình đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Một số hộ gia đình bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên nhiều đối tượng nuôi, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, chú ý phòng bệnh cho các giống vật nuôi thủy sản, vệ sinh ao nuôi thường xuyên, tiến hành phơi ải, rắc vôi khử trùng sau mỗi vụ thu hoạch... đã góp phần nâng cao năng suất và đem lại giá trị kinh tế. Ngoài ra, các hộ nuôi cũng đã chú trọng tới công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra chất lượng con giống, thuốc phòng và trị bệnh cho cá nhằm giúp nông dân sản xuất thuận lợi, hạn chế những thiệt hại, dịch bệnh do con giống và vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản kém chất lượng gây ra.
Hộ anh Triệu Quốc Trung - khu Đồng Ao, xã Hùng Long thành công với mô hình nuôi cá lồng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Anh Trung cho biết: Qua tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá; nâng cao nhận thức cho người nuôi về bảo vệ môi trường nước, nuôi thả thủy sản theo các hình thức an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị thủy sản, gia đình tôi cũng đã ứng dụng vào thực tế sản xuất. Nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao so với phương thức nuôi truyền thống. Tuy nhiên, nếu không có kỹ thuật, không đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy theo khuyến cáo, gia đình tôi thực hiện thả đúng mật độ, hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống để tránh làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi, đặc biệt chú trọng tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục thuốc thú y dùng trong lĩnh vực thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để thủy sản phát triển bền vững, đảm bảo các điều kiện cho an toàn vệ sinh thực phẩm, huyện đã định hướng và có giải pháp lâu dài như sản xuất con giống tốt, đưa giống mới, giống đặc sản giá trị kinh tế cao kết hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng thành công các mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản an toàn, từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.