Ồ ạt mọc lên như nấm
4 năm về trước, khi ngành cá tra “xưng vương” cũng được xem là năm huy hoàng nhất của ngành chế biến thức ăn thủy sản khi hàng loạt các nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động. Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có trên 65 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và chính sự phát triển ồ ạt này đã được các nhà chuyên môn cảnh báo về hệ lụy cung vượt cầu.
Theo thống kê của Sở Công thương Đồng Tháp, thời đỉnh điểm, toàn tỉnh có đến 24 nhà máy chế biến thức ăn cá tra với tổng công suất khoảng 2,5 triệu tấn thức ăn/năm. Tuy nhiên, toàn tỉnh này mỗi năm chỉ nuôi tối đa 300.000 tấn cá tra, với nhu cầu thức ăn chỉ khoảng 500.000 tấn.
Tại Cần Thơ, An Giang cũng có rất nhiều nhà máy chế biến thức ăn thủy sản ra đời khi nghề nuôi cá tra, nuôi tôm phát triển nóng ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Minh – nhân viên kinh doanh của một công ty chế biến thức ăn thủy sản ở TP. Cần Thơ cho biết: “Tại Cần Thơ có lúc có trên 30 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, thậm chí nhiều cơ sở mua bao bì để làm gia công rồi nhảy vô thị trường, nhiều nhất là loại thức ăn dành cho cá tra. Lúc đó ngành chế biến thức ăn rối như canh hẹ do quá nhiều nhà máy, nhiều nhãn hiệu thức ăn cá, tôm...”.
Lặng lẽ chết thảm
Sau thời gian phát triển nóng, hàng loạt nhà máy chế biến thức ăn (chủ yếu là thức ăn cá tra) đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất khi ngành cá tra liên tục gặp khó.
Theo một chuyên gia trong nghề chế biến thức ăn chăn nuôi, hiện nay ở ĐBSCL cứ 10 nhà máy thì có đến 8 nhà máy đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp có 24 nhà máy thì chỉ còn 3 nhà máy vẫn còn hoạt động bình thường, 7 nhà máy đang thoi thóp và 14 nhà máy đã ngừng hoạt động.
Đại diện một công ty chế biến thức ăn thủy sản ở Cần Thơ cho biết: “Rất nhiều công ty đã giảm công suất hoặc ngừng hoạt động. Trong đó, các nhà máy đang hoạt động phải giảm khoảng 40% công suất, đồng thời chỉ bán thức ăn gối đầu cho các mối là người nuôi đã làm ăn lâu dài với công ty. Còn thị trường mới hầu như bị bỏ ngỏ vì quá nhiều rủi ro”.
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH VACO (Vĩnh Cửu - Đồng Nai) cho biết, trước đây, Công ty sản xuất trung bình 500 tấn/tháng, nhưng hiện giảm xuống còn 100 tấn/tháng vì gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nguyên nhân là do những khách hàng chính (chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) đã ngừng chăn nuôi hoặc tự sản xuất thức ăn. "Cộng với nhiều khó khăn khác như thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng... các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi ngày càng đuối sức trong cuộc cạnh tranh với các ông lớn do nước ngoài đầu tư", ông Anh than thở.
Đi tìm giải pháp
Đa phần các chủ doanh nghiệp than khổ vì giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng, cộng với lãi suất ngân hàng cao và đau đầu nhất là đầu ra ì ạch như hiện nay.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết: “Một số nhà máy chế biến thủy sản, chế biến thức ăn thủy sản trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Sở đang tham mưu cho tỉnh có giải pháp tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp thoát qua cơn bĩ cực này”.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, nhiều sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ chậm, nên người chăn nuôi giảm quy mô, thậm chí bỏ trống chuồng, “treo” ao… khiến thức ăn chăn nuôi điêu đứng theo. Ngoài ra, trước sức ép giá thức ăn tăng 3 - 4%, người nuôi đang có xu hướng tăng cường tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giá rẻ, nên thức ăn chăn nuôi tồn kho ngày càng nhiều.
"Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm những "khe" để có thể vay vốn ngân hàng nước ngoài, nhằm có tiền mua nguyên liệu thức ăn. Thí dụ, nếu doanh nghiệp nào mua nguyên liệu của Mỹ thì có thể tiếp cận vay vốn từ Bộ Nông nghiệp Mỹ với lãi suất nhẹ hơn lãi suất vay trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cần tích cực hỗ trợ lẫn nhau, đẩy mạnh liên doanh liên kết, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, nếu các doanh nghiệp tăng giá bán thì đồng nghĩa là... giết mình", ông Lịch dự báo.
Theo nhiều nhà khoa học, để các doanh nghiệp chế biến thức ăn cá tra “sống khỏe”, trước hết các tỉnh cần qui hoạch lại vùng nuôi, nắm chính xác diện tích, tính ra lượng thức ăn cần dùng cho toàn tỉnh, như vậy sẽ không có chuyện doanh nghiệp chế biến thức ăn mọc lên như nấm rồi đến lúc cùng nhau chết chìm khi ngành cá tra có biến động.
Các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến mạng lưới bán lẻ ở thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Không để cho các thương lái, doanh nghiệp, đại lý tự phân phối, chào hàng theo kiểu xưa nay, giúp người nuôi mua thức ăn với giá gốc, góp phần giảm chi phí sản xuất, nông dân có lời tái đầu tư thì hàng hóa của doanh nghiệp mới lưu thông được.
Ông Trần Thanh Hải - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ: “Bất cập là quản lí các doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra., nhất là một năm chỉ có 2 lần. Đây cũng là kẽ hở để các doanh nghiệp đua nhau mọc lên khi công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ”.