Sự sụt giảm của thủy sản đã được dự báo từ cuối năm ngoái nhưng mức giảm sâu như hiện nay nằm ngoài dự tính của nhiều doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu các nhóm mặt hàng đều giảm mạnh, trong đó, hai mặt hàng chủ lực là tôm giảm 39,4% (chỉ đạt 578 triệu USD), cá tra giảm 33,1% (chỉ đạt 422 triệu USD). “Đây là mức giảm tương đương giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm nay khi các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm mạnh”, ông Nam nói.
Nguyên nhân chính được một số chủ doanh nghiệp giải thích, do kinh tế toàn cầu suy thoái, người tiêu dùng giảm chi tiêu và doanh nghiệp còn khó vay vốn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Cafatex ở tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trên nhiều thị trường xuất khẩu của tôm Việt Nam, người tiêu dùng giảm chi tiêu nên hàng tồn kho của doanh nghiệp lớn, giá tôm đã giảm 20 - 30% so với cuối quý IV/2022 nhưng vẫn khó xuất khẩu”.
Chủ tịch HĐQT Cafatex Nguyễn Văn Kịch (bìa phải) tiếp xúc đối tác để duy trì và mở rộng thị trường
Ông Kịch lo ngại từ tháng 5 còn khó khăn hơn nữa vì vào vụ khai thác mới cũng như thu hoạch thủy sản nuôi trồng. “Các các nhà máy chế biến lại thiếu tiền để mua nguyên liệu, và có mua thì cũng không thể cao khi giá xuất khẩu thấp. Dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa hàng thủy sản tại các vùng sản xuất khó tránh. Trong lúc, doanh nghiệp lại phải thu hẹp sản xuất. Khó khăn hiện nay, riêng doanh nghiệp khó xoay xở mà rất cần sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương”, ông Kịch nói.
Ở tỉnh Sóc Trăng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VINA CLEANFOOD) Võ Văn Phục cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, đơn hàng giảm hơn 30%, Công ty đã phải giảm 1/4 trong số hơn 4.000 lao động, số còn lại phải nghỉ luân phiên và giảm hơn 40% giờ làm, theo đó thu nhập của lao động giảm mạnh. Nguyên nhân chính là thị trường tôm, cá tra, cá basa phải cạnh tranh giá rẻ, còn doanh nghiệp phải vay vốn lãi suất cao và không dễ tiếp cận. Trong tình hình khó khăn hiện nay, theo ông Phục, doanh nghiệp phải giảm tăng trưởng, thực hiện tái cấu trúc để tồn tại.
Công ty VINA CLEANFOOD ở tỉnh Sóc Trăng khá hiện đại nhưng đã phải giảm 1/4 trong số hơn 4.000 lao động
Cũng tại hội nghị "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/4, ông Đậu Anh Tuấn là Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là tiếp cận vốn. Ông phân tích, thời gian qua nhiều kênh huy động vốn trung và dài hạn đang trong quá trình điều chỉnh như chứng khoán, trái phiếu. Về phía VCCI đã tích cực chuyển các khó khăn của doanh nghiệp lên Chính phủ, bộ ngành để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Về thị trường xuất khẩu, cần tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng, tập trung vào các nước trong khối CPTPP và EU mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại thế hệ mới”, ông Tuấn nói.
Trong một “Báo cáo thủy sản” vừa công bố của nhóm chuyên gia ở Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tập trung phân tích thị trường xuất khẩu đã “Dự phóng cả năm 2023 tăng trưởng lợi nhuận âm 18%”. Phân tích cập nhật kết quả kinh doanh trong năm 2021 và 2022 của một số doanh nghiệp tiêu biểu, mỗi doanh nghiệp có doanh thu một năm hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2022, các doanh nghiệp thủy sản tiêu biểu hầu hết đều có mức tăng trưởng LN gộp trên 50%, tuy nhiên dự phóng năm 2023 tất cả giảm sút. Nguyên do sản phẩm tôm chiếm tỷ trọng kim ngạch chính được dự báo suy yếu, sản phẩm cá tra giảm mạnh giá bán. Nếu các khó khăn về sức mua của người tiêu dùng chưa thể giải quyết thì hậu quả chung cho ngành thủy sản là giá đầu vào nuôi trồng và đánh bắt tăng cao khiến ngư dân thua lỗ, bỏ ao, dẫn đến giảm nguồn cung và có thể rơi vào vòng khủng hoảng mới.