Rươi thuộc nhóm giun nhiều tơ, sống dưới nền đáy của vùng nước lợ. Rươi sau khi chế biến thành món ăn thì trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng, bởi giá trị dinh dưỡng cao. Tại Quảng Ninh, vùng rươi phân bố tự nhiên dọc sông Cầm (TX Đông Triều) với diện tích khoảng 108ha, TP Uông Bí với diện tích khoảng 280ha và một số diện tích của TX Quảng Yên.
Sau một thời gian nghiên cứu, rươi có thể nuôi và kết hợp với cây lúa giá trị kinh tế cao, năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã triển khai mô hình nuôi rươi thương phẩm tại TP Uông Bí và TX Đông Triều với quy mô 8ha. Qua kết quả đánh giá, rươi phát triển tốt, đồng đều về mật độ phân bố đạt 80-100 con/m2, kích thước đạt 6-8cm/con. So với các diện tích ngoài mô hình, mật độ rươi cao hơn 3-4 lần.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh kiểm tra mô hình rươi - lúa tại hộ dân phường Phương Nam, TP Uông Bí.
Thực tế cho thấy, khi kết hợp nuôi rươi và trồng cây lúa đã bổ trợ cho nhau, rươi sẽ xử lý được các chất thải hữu cơ trong đất, nước, tạo ra phân bón giúp cây lúa khỏe mạnh chống chọi lại với sâu bệnh, chính vì thế cả quá trình trồng lúa không cần tác động đến thuốc trừ sâu. Qua đó, tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại. Ngược lại, việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng, cùng nguồn thức ăn dồi dào cho rươi phát triển tốt và cho hiệu quả cao.
Ông Đoàn Văn Hân (phường Trưng Vương, TP Uông Bí) chia sẻ: Gia đình tôi tham gia mô hình rươi - lúa đã được gần 2 năm, qua thu hoạch một số vụ, tôi thấy năng suất của rươi và lúa đều đạt cao. Đối với rươi, thu hoạch đạt 350-370kg/ha; đối với cây lúa, thu hoạch trung bình đạt trên 2,5 tấn thóc/ha, không phải phun thuốc trừ sâu như trước đây, gia đình ăn gạo cũng rất an tâm.
Người dân kiểm tra mô hình nuôi rươi - lúa.
Với hiệu quả mô hình canh tác từ rươi - lúa mang lại, hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang thực hiện dự án Phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Quảng Ninh. Dự án với quy mô thực hiện 90ha, tại 3 địa phương là: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, với 40 hộ dân tham gia.
Theo tính toán sẽ cho năng suất, sản lượng ổn định và giúp vùng khoanh nuôi rươi thương phẩm có thể phát triển bền vững, năng suất rươi bình quân sẽ đạt 300-350kg/ha/năm (tăng khoảng 200-250kg/ha/năm so với không thả giống), mỗi năm có thể cho thu thập từ 105-140 triệu đồng/ha; sản lượng lúa đạt 1,6-1,8 tấn/ha/vụ, cho thu nhập 19-22 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí có thể cho lãi từ 70-100 triệu đồng/ha. Sau 2 năm triển khai dự án sẽ cho thu nhập từ 12-17 tỷ đồng, lãi từ 7-10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi tiếp tục xây dựng các mô hình nuôi rươi tiên tiến, hoàn thiện quy trình nuôi rươi, kết hợp canh tác lúa hữu cơ, đảm bảo phù hợp với tập quán canh tác và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống nhân tạo, cũng như nuôi thương phẩm. Tiếp tục tuyên truyền đến bà con nông dân đang canh tác tại các vùng hiện đang có rươi phân bố tự nhiên, có điều kiện về khả năng đầu tư, điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm của con rươi. Nâng tầm thành sản phẩm OCOP cho 2 sản phẩm lúa hữu cơ và rươi Quảng Ninh.
Có thể thấy rằng, việc phát triển nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại các địa phương có điều kiện phù hợp, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa cung cấp sản phẩm rươi có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm gạo hữu cơ; tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Góp phần bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi rươi đặc hữu của tỉnh Quảng Ninh, hướng tới phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.