Nhiều thách thức
Trao đổi với phóng viên, Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, hệ sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là hệ sinh thái đất ngập nước, nguồn nước được ví như là máu giúp hệ sinh thái phát triển. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị, khu công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn làm cho nguồn nước mặt ở các sông, ao hồ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của các hệ sinh thái.
Không chỉ thế, cũng theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, trong 30 năm qua, nhiều diện tích rừng ngập mặn bị chuyển sang nuôi trồng thủy sản, rừng tràm tự nhiên mất đi thay vào đó là tràm trồng dẫn đến diện tích rừng bị thu hẹp lại. Rừng phòng hộ ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long mỏng dần là một trong những yếu tố dẫn đến hệ sinh thái ven biển thay đổi.
Cùng quan điểm, thông tin với phóng viên, TS. Dương Văn Ni- Trường Đại học Cần Thơ cho biết, diện tích đất ngập nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thu hẹp dần, tình trạng cá nuôi phát triển nhanh đang vô tình lấy đi nguồn sống của hàng ngàn hộ dân vùng ngập nước từ xưa tới nay.
TS Dương Văn Ni còn cho rằng: “Diện tích đất ngập nước ngày càng bị thu hẹp đã kéo theo hệ sinh thái mất cân bằng do thiếu nguồn cá con. Trong khoảng 10 đến 20 năm nữa, nguồn dinh dưỡng trong hệ thống đất ngập nước sẽ suy giảm, năng suất thủy sản nước ngọt sụt giảm đáng kể”.
Tại vùng đệm của Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) hiện có hàng trăm hecta đất ngập nước, tuy nhiên trong những năm gần đây do người dân mở rộng sản xuất, thâm canh tăng vụ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến cho các sinh cảnh, đa dạng sinh học nơi đây bị suy kiệt vì chất lượng nguồn nước thay đổi.
Ông Nguyễn Văn Bé, Trưởng Phòng Đa dạng Sinh học- khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho phóng viên biết: “Nhiều năm nay, hàng trăm hecta đất ngập nước tại khu bảo tồn phải thực hiện chức năng lưu trữ nước để phòng cháy chữa cháy, nên không được cải tạo, cỏ mọc um tùm làm cho các loài thủy sinh suy giảm, nhiều loài chim, cò đã di cư đến nơi khác sinh sống”.
Tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang làm cho nhiệt độ ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng nguồn nước bị cạn kiệt đã làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là Sếu đầu đỏ vì thiếu bãi ăn.
Theo TS Dương Văn Ni, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tràm Chim là thay đổi hệ sinh thái. Việc thay đổi hệ sinh thái là do ở Vườn Quốc gia Tràm Chim nước trao đổi chỉ qua các cống, thời gian khô giảm, thời gian ngập gần như quanh năm, cây tràm xâm lấn tất cả các quần xã khác, chất hữu cơ chưa phân hủy tích tụ nhiều hơn trên mặt đất và trong kênh, rạch là điều kiện để các loài ngoại lai phát triển.
Khôi phục diện tích đất ngập nước
Trong những năm gần đây, song song với việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, Ban quản lý các khu bảo tồn và những cơ quan, đơn vị chức năng ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm đến khôi phục lại diện tích đất ngập nước nhằm tạo sân bãi, thức ăn thu hút các loài chim, cò cũng như sinh kế cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Bé cho biết: Nhằm tạo sân bãi và môi trường phát triển ổn định cho các thảm thực vật, loài thủy sinh, trong năm 2020 khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã có phương án khôi phục lại diện tích hơn 100 hecta đất ngập nước tại phân khu phục hồi sinh thái để thu hút các loài chim, cò, góp phần duy trì và phát triển các loài động thực vật tại khu bảo tồn này.
Cạnh đó, khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tại vùng đệm của khu bảo tồn thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường để giảm thiểu những bất lợi lên hệ sinh thái đất ngập nước.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Hoàng Minh Hải -Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế -Vườn Quốc gia Tràm Chim thông tin “Trong thời gian tới ngoài việc giữ nước, quản lý tốt mực nước tạo môi trường sống cho các thảm thực vật, thì Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng đã đề xuất phục hồi 450 hecta lúa ma tạo nguồn gen và phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời phục hồi khoảng 90 hecta đất ngập nước tạo bãi cho loài cỏ năn kim phát triển làm thức ăn thu hút Sếu đầu đỏ”.
Song song với việc khôi phục lại diện tích đất ngập nước ngọt, các địa phương ven biển Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Cà Mau… cũng đang tích cực triển khai trồng rừng trên diện tích đất ngập mặn ven biển nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống xói lở và tạo sinh kế cho người dân.
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019, các cấp, các ngành, đoàn thể đã trồng được gần 1.000 hecta mắm, đước, bần trên đất bãi bồi ven biển, nâng tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có tại địa phương này là hơn 7.200 hecta.
Ngoài việc chú trọng công tác trồng rừng, tỉnh Sóc Trăng cũng đã mạnh dạn triển khai các mô hình quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn cùng với việc tạo sinh kế cho người dân địa phương, trong đó điểm hình là mô hình đồng quản lý rừng tại xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu.
Là thành viên nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ở ấp âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, ông Thạch Soal cho phóng viên biết, cách đây khoảng 20 năm, bãi bồi ven biển ở xã Vĩnh Hải cây cối rất thưa thớt, nhiều nơi bị sóng biển đánh vào cuốn trôi tài sản. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm Ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng triển khai mô hình đồng quản lý rừng thì diện tích rừng không ngừng được tăng lên tạo vành đai chắc chắn bảo vệ tài sản cho người dân.
“Nếu như năm 2009, thời điểm triển khai mô hình này chỉ có 115 hecta rừng ngập mặn thì đến nay đã tăng lên đến 370 hecta. Không chỉ thế, khi diện tích rừng được mở rộng, phát triển xanh tốt đã tăng nguồn lợi thủy sản dưới các tán rừng. Những Thành viên tham gia mô hình đồng quản lý rừng được vào khai thác củi và các nguồn lợi thủy hải sản trong rừng góp phần cải thiện đời sống”- ông Thạch Soal chia sẻ.