Nhiều ngày qua, người dân ở 2 xã biên giới Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), khốn đốn với nạn ghe cào điện. Đây là loại phương tiện không chỉ khai thác tận diệt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn hủy hoại những ngư cụ lờ, lọp, câu, lưới của người dân sống chủ yếu bằng nghề câu lưới trong mùa lũ.
Chị Phạm Thị Dung (ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B) cho biết, gia đình chị sống chủ yếu bằng nghề giăng câu, lưới mà ghe cào đêm nào cũng chạy. Mỗi lần đi qua cào rách hết lưới. Mà một tay lưới tới 150.000 đồng, mấy ngày qua, nhà chị mất cả chục tay lưới như thế. Còn cô Phạm Thị Sáng, ngụ ấp Bình Hòa Trung bức xúc: “Tôi mua trên 1kg lưới về giăng cá, vừa giăng buổi sáng đến trưa đi thăm lưới thì bị mất hết 5 tay lưới. Vụ hè thu tôi đi mót lúa dành dụm được hơn 1 triệu đồng để mua lưới giờ hơn phân nửa số lưới đã bị ghe cào cá cuốn sạch”.
Theo phản ánh của người dân, từ đầu mùa lũ đến nay, hàng ngày có cả chục ghe cào bằng xung điện cào cá trên cánh đồng ngập nước của xã Thường Thới Hậu B. Các ghe cào hoạt động từ 6h đến khoảng 19h hằng ngày. Ghe cào cá không chỉ “băm nát” lưới của người dân mà còn cào cả các lờ lọp được bà con đặt kiếm cá cua mưu sinh mùa lũ. Ông Trương Văn Trung (ngụ xã Thường Thới Hậu B” than thở: “Thấy lưới bị cào nên tôi chuyển qua đặt lọp cua mưu sinh, nhưng vẫn thường xuyên bị ghe cào cào mất. Mỗi ngày bị ghe cào cào mất cái lọp là coi như mất 25.000 đồng. Ngày nào mà tôi mất 3, 4 cái lọp coi như hôm đó đi đặt lọp huề vốn”.
Trước nạn ghe cào điện hoành hành, từ đầu mùa lũ đến nay, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra các phương tiện khai thác thủy sản trên các cánh đồng ngập lũ. Qua đó, phát hiện bắt giữ 12 chiếc ghe cào, 5 đimô điện, 1 xiệt điện và các dàn lưới cào, xử phạt hành chính gần 15 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Trưởng Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, một khó khăn hiện nay là cấp huyện không có lực lượng chuyên ngành thường xuyên theo dõi xử lý các trường hợp vi phạm. Mặt khác, huyện cũng không có phương tiện chuyên dụng cho quá trình ra quân kiểm tra nên công tác quản lý về khai thác thủy sản chưa thật sự chặt chẽ. “Trong thời gian tới, Đoàn Kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên để hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp vi phạm”, ông Thành nói.