“Thắng lớn” ở thị trường EU
Theo VASEP, trong năm 2017, ngành tôm được xem là thắng lợi lớn tại thị trường EU. Trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, EU vươn lên là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam, chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam.
Tính riêng ở các thị trường đơn lẻ trong khối EU, Hà Lan hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Hà Lan, Anh và Đức), xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh nhất 70,5% đạt 199,7 triệu USD; tiếp đó là Anh và Đức lần lượt có tốc độ tăng 54,5% và 5,9%.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh trong năm 2017 chủ yếu là do có lợi thế hơn so với một số đối thủ cung cấp khác nhờ có mức thuế GSP thấp. Hiện tại, theo hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (mã HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%. Trong khi đó, Thái Lan và Trung Quốc lại không được hưởng GSP của EU.
Thêm vào đó, trên thị trường EU, tôm Việt cũng phải cạnh tranh chính với tôm Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Ấn Độ có xu hướng giảm xuất khẩu tôm cho EU, do bị dính kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, để được hưởng thuế suất ưu đãi từ EU, các doanh nghiệp mua tôm nguyên liệu trong nước dù giá cao hơn. Để tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư làm hàng chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị khi xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung giảm nên EU tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Ngoài EU, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng có mức tăng tới 60,2% đạt 637,9 triệu USD trong 11 tháng năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ lại giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sự sụt giảm này chủ yếu là do thuế chống bán phá giá trong POR11 tăng cao. Bên cạnh đó, Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ để bù đắp sự sụt giảm ở các thị trường chính khác khiến thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sụt giảm.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo ước tính của các doanh nghiệp, với giá trị kim ngạch như hiện nay, để xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành này phải đạt ít nhất từ 12-15%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn đang có nhu cầu nhập khẩu tôm. Với đà tăng trưởng như hiện nay, VASEP cũng dự báo xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, nhất là ở một số thị trường như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đáng chú ý, tại thị trường Trung Quốc, sản lượng sản xuất tôm nội địa của nước này sụt giảm do dịch bệnh và mưa lũ. Trong khi đó, nhu cầu trong nước ngày càng tăng, do tầng lớp trung lưu và lượng khách du lịch tăng khiến gia tăng nhu cầu tiêu thụ hải sản, nhất là mặt hàng tôm ở các nhà hàng.
Kèm theo đó, kể từ ngày 1/12/2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Với đà tăng trưởng như hiện nay, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong Quý I/2018.
Mặt khác, theo VASEP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm. Theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức hiện tại 12,5%; thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh…) cũng về 0% từ mức 20% hiện nay.
Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS 16052190 (tôm khác) sẽ được điều chỉnh từ mức 20% hiện nay về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Dù có nhiều thuận lợi, tuy nhiên bước sang năm 2018, dự báo ngành hàng này sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, kể cả vấn đề số lượng và chất lượng tôm. Với tình hình thời tiết thất thường như hiện nay, rủi ro về thời tiết và dịch bệnh vẫn là nguy cơ lớn đối với sản xuất tôm.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, vấn đề thách thức nhất hiện nay của ngành tôm Việt Nam vẫn là đa phần sản xuất có quy mô nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, năm 2018, toàn bộ các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam đều “đặt nặng” vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP) có hiệu lực từ đầu năm nay.
Để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, các nhà máy thường phải tốn thêm chi phí kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, khiến giá thành sản phẩm tăng lên, các doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với các nguồn cung tôm khác.
Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế vẫn là những vấn đề mà ngành tôm cần tập trung thực hiện để khắc phục điểm yếu, từ đó giúp doanh nghiệp có thể tăng tốc xuất khẩu trong năm 2018.