Theo Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS về phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ tổ chức nuôi cá rô phi theo các vùng nuôi tập trung gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu là đến năm 2020, tổng diện tích nuôi cá rô phi đạt 33.000 héc ta và 1,5 triệu mét vuông lồng bè trên sông, hồ chứa với sản lượng 300.000 tấn, trong đó, 50-60% cho xuất khẩu. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi cá rô phi sẽ là 40.000 héc ta và 1,8 triệu mét vuông lồng, bè với sản lượng ước đạt 400.000 tấn và trong đó có 40-45% là cho xuất khẩu. Tất cả đều được chứng nhận VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).
Những địa phương được Bộ NN&PTNT đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá rô phi tập trung là Quảng Ninh, Đăk Lăk, Kiên Giang, Sóc Trăng với quy mô 200-500 héc ta.
Trước đây, khi nói chuyện về tiềm năng phát triển của ngành thủy sản, các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam đều tỏ ra tiếc nuối vì Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến phát triển cá rô phi mặc dù có lợi thế về địa lý, khí hậu để phát triển. Quyết định được Bộ NN&PTNT đưa ra cũng từ một phần từ yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi muốn có vùng nguyên liệu lớn, đủ đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa.
Vì thế, dù cá rô phi đã được xuất khẩu qua hơn 60 thị trường nhưng giá trị thu chưa lớn. Theo số liệu mới nhất về kim ngạch xuất khẩu từ Tổng cục Thủy sản, tính đến thời điểm tháng 10-2014 chỉ có 27 triệu đô la Mỹ.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mỗi năm EU nhập khẩu khoảng mấy chục ngàn tấn cá rô phi, trong đó, trên 90% là đông lạnh, chủ yếu từ cá nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia.
Đây cũng chính là mặt hàng đang cạnh tranh với sản phẩm cá tra Việt Nam tại thị trường này. Cá rô phi cũng đang được Mỹ nhập khẩu mạnh và giá bán dao động trong khoảng 4,5-5 đô la Mỹ/kg, trong khi các loại cá thịt trắng khác chỉ dao động ở mức 2,5-3 đô la Mỹ/kg.