Tại Ngọc Hiển, vụ cá khoai được bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào khoảng tháng 2 năm sau. Theo người dân tại đây, thông thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ những mặt hàng tươi sống tăng vọt, trong đó có cá khoai. Chính vì vậy, nhiều vựa cá luôn tìm mọi cách thu mua với giá cao để có hàng giao cho thương lái ngoài tỉnh. Nhờ đó, ngư dân miền biển vừa trúng mùa lại trúng giá.
Ngư dân sử dụng các phương tiện đánh bắt gần bờ để khai thác cá khoai. (Ảnh: TA).
Hiện giá cá khoai tăng cao, ở mức từ 100.000 – 105.000 đồng/kg (cá loại 1), từ 90.000 – 95.000 đồng/kg (cá loại 2). Tăng hơn 50.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Sau khi trừ các loại chi phí mỗi phương tiện lãi từ 4 – 10 triệu đồng sau một ngày đánh bắt.
Giá cá khoai đang ở mức cao, ngư dân lãi lớn. (Ảnh: TA).
Theo nhiều ngư dân địa phương, do cá khoai là loại thân mềm, rất khó bảo quản và thường sống tập trung ở khu vực gần bờ, nên nhiều ngư dân có phương tiện công suất nhỏ đã ra khơi đánh bắt và liên tiếp trúng mùa. Thông thường, người đánh bắt chỉ hoạt động cách bờ khoảng 10 hải lý trở lại và ra vào trong ngày để bán ngay cho các vựa tại địa phương, tránh cá đánh bắt được bị ươn.
Cá khoai là một đặc sản nổi tiếng của vùng biển Ngọc Hiển. (Ảnh: TA).
Anh Nguyễn Văn Lĩnh (ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), cho biết: Mấy ngày qua thời tiết tốt, biển êm nên rất thuận lợi cho các phương tiện nhỏ, gần bờ ra biển đánh bắt cá khoai. Đợt rồi, sau hai ngày đánh bắt tôi thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các vựa cá ở thị trấn Rạch Gốc, thời điểm này trung bình mỗi phương tiện có từ khoảng 50–100kg cá sau một ngày đánh bắt.
Không chỉ cá khoai, ngư dân Cà Mau cho biết, họ được niềm vui kép khi vừa trúng mùa, trúng giá. Hiện, cá thu được bán với giá khoảng 180.000 đồng một kg; cá chét ướp giá 195.000 - 225.000 đồng; cá khoai 65.000 - 70.000 đồng; mực gai giá 80.000 - 95.000 đồng một kg… Quân bình giá các loại hải sản tăng hơn 25.000 đồng mỗi kg, đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho chủ tàu.