Ồ ạt vượt biên
Không khó để trả lời câu hỏi tại sao những tỉnh, thành phố như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh lại trở thành những điểm nóng của việc vận chuyển cá tầm lậu. Thật đơn giản, nơi đây có hàng chục cửa khẩu lớn nhỏ và hàng nghìn con đường mòn quanh co khúc khuỷu nối liền biên giới Trung - Việt.
Câu chuyện của chúng tôi với ông V.L - một đại gia cá tầm ở Lào Cai được bắt đầu từ những hồi tưởng của ông: “Năm 2003 là thời điểm con cá tầm đang phất lên ở Trung Quốc, cũng là lúc Việt Nam bắt đầu biết đến loài cá này. Năm 2006, khi cá tầm đang làm mưa làm gió ở Trung Quốc thì ở Việt Nam, hoạt động buôn lậu cá tầm bắt đầu manh nha. Nhưng cũng rất nhanh thôi, hoạt động buôn lậu cá tầm đã có “hình hài” rõ nét. Con cá tầm đã xuất hiện nhiều hơn ở các nhà hàng, khách sạn.
Giai đoạn từ 2009 đến nay, ở Trung Quốc con cá tầm rớt giá thê thảm và mất vị thế bởi người dân ở đó không còn tha thiết với loài cá này nữa. Đây cũng chính là lúc cá tầm quay đầu “bơi” qua Việt Nam và rồi lại bắt đầu chu kỳ nổi lên như cồn. Chính vì thế, cá tầm Trung Quốc bắt đầu ngược dòng “vượt biên” ồ ạt sang vùng đất mới lý tưởng hơn”.
Ngay tại Lào Cai kể từ năm 2009 trở lại đây, theo như lời của V.L, buôn lậu cá tầm trở nên thịnh hành. Hoạt động buôn lậu công khai ngang nhiên giữa ban ngày, người bốc vác, xe chuyên chở cứ vào ra nườm nượp. Địa bàn biên giới sôi động nhất là đoạn qua sông Nậm Thi, thuộc thôn Nậm Só, xã Bản Tiệt của huyện Bảo Thắng (giáp ranh huyện Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc). V.L cho hay: “Hàng sau khi được chất lên xe tải sẽ chạy một mạch xuống Hà Nội. Đợt tháng 5 vừa rồi, tôi cho xe vận chuyển cá tầm xuống Hà Nội cung cấp cho một đại lý cỡ bự, mỗi xe 1 tấn, cứ thế mà chạy. Suốt quãng đường từ Lào Cai về Hà Nội, chẳng bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, không kiểm dịch thú y, cũng không quản lý thị trường”...
Ở Hà Nội có rất nhiều “nhánh trung chuyển” cá tầm, từ Gia Lâm, Long Biên cho đến Thanh Trì... Tiếp xúc với T.H - một tay máu mặt trong giới buôn lậu cá tầm, chuyên nhận cá tầm từ vùng biên và phân phối cho thị trường Hà Nội, chúng tôi được cho biết: “Tại Hà Nội có khoảng 6 đại lý nhập cá tầm lậu từ Trung Quốc để phân phối cho các chợ, nhà hàng, khách sạn...
Thị trường tiêu thụ cá tầm lậu ở Việt Nam rất lớn nên việc nhập lậu cá tầm Trung Quốc đang đem lại lợi nhuận khổng lồ. Dân buôn cá tầm lậu vừa được “bảo kê” đầu vào vừa được hậu thuẫn đầu ra nên việc chuyên chở và tiêu thụ rất thuận tiện. Cứ mỗi chuyến xe tải chở 4 tấn cá tầm, nếu tiêu thụ trót lọt thì sẽ bỏ túi khoảng 300 triệu đồng. Đúng thời vụ, mỗi ngày bọn tôi có thể tiêu thụ đi cả nước khoảng 30 tấn cá tầm.
Cá tầm lậu được “tẩy trắng” ra sao?
Theo tiết lộ của V.L, do từ năm ngoái tới giờ, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, các chuyến hàng có thể bị “sờ gáy” bất cứ lúc nào nên dân buôn lậu thận trọng hơn và công nghệ “tẩy trắng” cá tầm lậu từ đó bắt đầu xuất hiện.
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, đại gia cá tầm V.L than thở: “Với tình trạng nhập lậu cá tầm như hiện nay, những hộ nuôi chân chính như chúng tôi sẽ phải bán cá dưới giá thành và có thể sẽ “chết sớm” trong nay mai. Ở miền Bắc, sản lượng cá tầm thương phẩm từ các hộ nuôi chân chính chỉ khoảng hơn 100 tấn/năm, trong lúc đó cá tầm nhập lậu qua biên giới khoảng 5.000 tấn/năm. Cá nhập lậu giá rất rẻ, chỉ 60.000 đồng/kg, nhưng sau khi vận chuyển về Việt Nam, chúng được bán tại hồ với giá 160.000 đồng/kg”.
Thấy tôi vẫn tỏ vẻ băn khoăn, V.L giải thích cặn kẽ: Cá tầm lậu tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, trong khi đó thời điểm này nghề nuôi cá tầm trong nước cũng đang phát triển và mở rộng nhanh. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong nước vừa nuôi vừa cung ứng cá tầm cho thị trường phải chịu sức ép quá lớn từ cá tầm lậu.
Một nguyên nhân cũng rất quan trọng nữa là ngày càng có nhiều nhóm đầu nậu cá tầm lậu hơn, trước chỉ có 3- 4 nhóm, nay đã lên tới hơn 10 nhóm. Do đó, tính cạnh tranh trong nội bộ giới buôn lậu cũng cao hơn, quyết liệt, thậm chí khốc liệt hơn, sau những vụ bị “chỉ điểm” cho lực lượng chức năng bắt thì có một số nhóm bị thiệt nặng nề, nhiều chuyến hàng bị bắt, số tiền hàng và tiền phạt lên tới hàng tỷ đồng.
Chính vì sự khốc liệt đó nên giới buôn lậu phải tính bài mới: “Tẩy trắng” cá tầm lậu hay nói cách khác là chạy “giấy thông hành”, hợp thức hóa cho con cá lậu.
V.L cho hay, việc “tẩy trắng” cá tầm lậu diễn ra khá chóng vánh, theo đúng “quy trình” đã định: Sau khi đưa qua biên giới trót lọt, cá tầm lậu sẽ được chuyển đến các ao nuôi, hồ nuôi trong nước. Tại đây chủ các ao nuôi sẽ lo lót, móc nối với các đối tác địa phương để làm “giấy thông hành” và chứng minh nguồn gốc cá... Tuy nhiên công nghệ “tẩy trắng” này cũng không “thọ” được lâu. Ngày càng nhiều vụ “tẩy trắng” cá tầm lậu bị cơ quan chức năng phanh phui ở Lai Châu, Bắc Giang... Bên cạnh đó, nhiều nghi án “tẩy trắng” cá lậu cũng đang được điều tra.
Sau khi đã được hợp thức hóa, việc vận chuyển cá tầm đi tiêu thụ trong cả nước cũng không ít công phu. T.H tiết lộ về công đoạn này: “Tại Hà Nội có khá nhiều điểm tập kết cá tầm, tập trung ở Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì... Ở các điểm này đều có rất nhiều bể chứa cá tầm. Sau khi đi một chặng đường dài từ biên giới về Hà Nội, cá yếu đi rất nhiều nên chúng được thả vào các bể chứa để nghỉ ngơi khoảng vài ngày cho lại sức. Sau khi đã khỏe lại, cá tầm được gây tê và cho chết lâm sàng trong môi trường -10 độ C. Cá tầm sẽ được xếp vào các thùng xốp y như các mặt hàng rau, củ quả, không cần đến một giọt nước, chỉ cần có ô xy là có thể sống được. Vận chuyển cá tầm khô như vậy rất tiện lợi, gọn nhẹ và giảm chi phí rất nhiều, đặc biệt là khi chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM. Khi cá tầm vào tới nơi, chúng sẽ được thả vào bể nước và chỉ mất một thời gian cá sẽ lại khỏe, vùng vẫy như thường".
"Đây là phương pháp rất công phu mà không phải nhóm buôn lậu nào cũng có thể làm được một cách thuần thục" - T.H khẳng định.