Theo kế hoạch thanh tra và bảng câu hỏi trước thanh tra của Tổng vụ sức khỏe và người tiêu dùng (DG-SANTE) của Ủy ban châu Âu gửi cho phía Việt Nam, lần này, phía EU sẽ thanh tra tổng thể từ các tàu cá cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp, các cảng cá, chợ đầu mối đến kho lạnh cũng như quy trình chế biến của doanh nghiệp...
Việc thanh tra tổng thể này có thể do trong năm 2016, thủy sản xuất vào EU bị cảnh báo có nhiễm kim loại nặng tăng. Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), hiện có khoảng mấy trăm doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn thực phẩm và xuất khẩu vào thị trường EU.
Đầu năm nay, Hiệp hội cá tra Việt Nam dự báo xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sẽ tiếp tục giảm do nhiều năm nay, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phi-lê cá tra, giá liên tục giảm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản vào EU đang có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, đối với mặt hàng cá tra, trong 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 89,5% so với cùng kỳ.
Điều đáng mừng là những thị trường từng gặp khó khăn do “truyền thông bẩn” đã có sự tăng trưởng trở lại như tại Tây Ban Nha, sản phẩm cá tra chế biến đã tăng gần 1.100%, còn thị trường Hà Lan tăng hơn 228% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là doanh nghiệp đã chuyển hướng từ sản phẩm cấp thấp sang sản phẩm cao cấp cho thị trường này.
Đây được xem là thông tin tích cực cho doanh nghiệp, vì theo VASEP, kể từ năm 2011, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU luôn luôn giảm do cá tra chủ yếu là sản phẩm cấp thấp, bán cho người tiêu dùng có thu nhập thấp, lại gặp phải "truyền thông bẩn" nhưng từ năm 2017, doanh nghiệp chuyển hướng sang sản phẩm cấp cao thì giá trị đã tăng trở lại. Do đó, ngoài hai thị trường nói trên, thị trường Bỉ, Đức cũng đã tăng trưởng trở lại nhờ doanh nghiệp chào bán những sản phẩm cá tra cấp cấp thay vì chỉ là phi-lê cá tra như trước đây.
Trong khi đó, những thị trường khác của EU đang nhập khẩu mạnh các sản phẩm hải sản như mực, bạch tuộc từ Việt Nam. VASEP cho biết, trong quí 1-2017, giá trị xuất khẩu hai mặt hàng này tăng gần 80% so với cùng kỳ 2016. Những nước trong khu vực EU có giá trị nhập khẩu tăng mạnh là Hà Lan, Pháp, Ý. Vì thế, quí đầu tiên của năm nay, EU đứng thứ 3 về nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam khi chiếm 19% tỷ trọng trong giá trị xuất khẩu hai mặt hàng này.
Trong nhiều năm qua, EU là một trong ba thị trường xuất khẩu truyền thống của thủy sản Việt Nam khi mỗi năm mang về hơn 1 tỉ đô la Mỹ và luôn chiếm trên dưới 20% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn là tôm, cá tra, mực và bạch tuộc, các sản phẩm hai mảnh vỏ.