Chộn rộn trên cảng cá
Ông Đinh Văn Phú - chủ tàu KH-98578TS hào hứng nói: “Ra khơi thôi, may ra trời thương cho lời chút đỉnh. Hy vọng sẽ gặp luồng cá. Gần đến Tết rồi, không đi khơi là đói luôn”. Ông Phú cho biết, tàu của ông mới đi đánh bắt ở Trường Sa 26 ngày, khi nghe tin cơn bão số 12 vào thì cập cảng Hòn Rớ để trú tránh. Hôm nay, thời tiết tạm ổn nên ông quyết định ra khơi với hy vọng sẽ khai thác được nhiều thủy sản. Bởi theo kinh nghiệm của ngư dân, sau mỗi cơn bão lớn, cá thường đi theo luồng và đi dọc biển, gần bờ hơn. Nếu vươn khơi thời điểm này, khả năng trúng luồng cá rất cao.
Vừa vận chuyển gas, nước ngọt lên tàu, ông Trương Văn Đà (thôn Hòn Rớ I, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết, trong cơn bão số 12, nhờ neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định nên không có thiệt hại gì lớn. Nghe dự báo thấy thời tiết đã ổn định nên từ sáng 7-11, ông cùng 10 thuyền viên đã chuẩn bị lương thực, nước uống, đá ướp lạnh cho chuyến ra khơi đầu tiên sau bão. Khoảng 12 giờ ngày 8-11, tàu 380CV của ông nhổ neo rời cảng Hòn Rớ hướng về ngư trường Trường Sa với hy vọng có một chuyến biển bội thu.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết: “Từ ngày 7-11, ngư dân vào cảng lấy đá rất nhiều. Số lượng đá đưa đến bao nhiêu hết bấy nhiêu. Mỗi ngày, khoảng 30 tàu lấy được đá để ra khơi. Hiện nay, có rất nhiều tàu đã sẵn sàng ra khơi nhưng các cơ sở cung cấp đá cây chạy hết công suất vẫn không đủ cung cấp”. Theo ông Hiếu, cơn bão vừa qua đã làm hư hại nhiều hạng mục của cảng, ước thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi bão qua, Ban quản lý cảng đã cho khắc phục cũng như đảm bảo vệ sinh. Đến thời điểm này, cảng đã đáp ứng được việc tàu ra vào để lấy đá cũng như bán hải sản. Khu vực chợ cá cũng đáp ứng được các điều kiện vệ sinh cho ngư dân buôn bán thủy sản.
Hy vọng chuyến biển bội thu
Trong số những ngư dân chuẩn bị xuất bến, có nhiều người bị thiệt hại nặng nề do cơn bão. Trong số 3 tàu cá ở Hòn Rớ với 35 ngư dân chuẩn bị ra khơi thì có đến 30 người có nhà bị tốc hết mái. Ông Huỳnh Văn Thanh (thôn Thành Đạt, Hòn Rớ) tâm sự: “Anh em tôi thuộc dân xóm Mũi nên thiệt hại ghê gớm, bão tốc hết mái. Nhà nào nhẹ còn tranh thủ sửa sang lại. Một số nhà anh em bị nặng phải đợi nắng lên thuê được thợ thì mới làm lại mái. Bây giờ cho vợ con đi tá túc nhà người thân, còn anh em ra khơi để có tiền về sửa chữa lại nhà cửa. Hy vọng chuyến biển này sẽ trúng đậm”.
Chờ đợi một chuyến ra khơi bội thu
Vừa cùng các thuyền viên bơm đầy dầu cho con tàu hơn 400CV, vận chuyển đá vào khoang lạnh, ông Huỳnh Quốc Thưởng (trú Hòn Rớ) vừa điện thoại cho các mối hàng đặt lương thực, thực phẩm cho chuyến ra khơi vào sáng 9-11. “Anh em có nhà bị tốc mái mấy hôm nay đã tranh thủ lợp lại để vợ con yên tâm rồi tức tốc chuẩn bị cho chuyến đi này”, ông Thưởng nói.
Ông Đỗ Trung Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong đợt bão này có nhiều tàu cá của các tỉnh Bình Định, Phú Yên trú tại cảng Hòn Rớ, Vĩnh Lương nên ngay sau khi bão tan, ngày 7-11 đã có nhiều tàu nạp dầu, nạp đá xuất bến đánh bắt. Các tàu cá của Khánh Hòa cũng đang khẩn trương chuẩn bị lương thực, nguyên liệu để ra khơi. Trong vài ngày tới, sẽ có hơn 1.000 tàu cá neo đậu tại cảng Hòn Rớ lần lượt xuất bến để khai thác hải sản. Dịp này, những chuyến tàu tránh bão ở vùng biển Vũng Tàu cũng trở về, mang theo cá ngừ, cá chuồn, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần làm cảng Hòn Rớ trở nên sôi động.