Ông Nguyễn Văn Nốp - Chủ tịch Hiệp Hội nuôi cá nước ngọt, huyện Kế Sách cho biết: “Bắt đầu sau 2008 trở đi đến 2 tháng năm 2011 giá cá tăng cao được một thời gian ngắn rồi giảm xuống cho đến bây giờ. Vùng nuôi Kế Sách hiện nay bà con bỏ ao rất là nhiều và thậm chí có 1 số đã dính nợ ngân hàng. Các công ty thì không về đầu tư nữa do thấy lỗ trước mắt, các anh em trong hiệp hội bây giờ có dính nợ một phần 1 phần còn quá khó khăn nên không đầu tư được”.
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá cá tra thương phẩm đã nhích lên, hiện giá thu mua tại các nhà máy chế biến là 23.500đồng 1kg, tương đương với giá thành sản xuất, còn giá mua tại ao cũng chỉ ở mức 22.000 đến 22.500 đ/kg như vậy người nuôi vẫn bị lỗ.
Nghề nuôi cá tra ở Sóc Trăng bị bế tắt, người nuôi thua lỗ vì giá đầu ra không ổn định, giảm ở mức thấp, tuy vậy bà con vẫn thả giống tiếp tục với hy vọng đến khi thu hoạch giá sẽ được cải thiện, nhưng thực tế không như mong đợi, cứ nhiều đợt như vậy nên người nuôi cạn kiệt vốn, buộc phải treo ao. Năm 2013, diện tích thả nuôi cá tra ở Sóc Trăng chỉ có 110 ha, chưa được 50% diện tích ao nuôi sẵn có, còn hiện nay dù giá cá có tăng lên thì diện tích ao còn thả nuôi chỉ hơn 20 ha, do bà con không lường trước được đầu ra. Ông Trần Thanh Cần - Chủ tịch UBND thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú nói như sau: “Khó khăn thứ nhất là về vấn đề đầu ra, hiện nay giá rất thấp không đảm bảo cho người dân có lời. Thứ 2 là tình hình người dân sau khi nuôi cá bán cho các công ty, các công ty trả rất là chậm thậm chí là giựt luôn nên việc nuôi cá da trơn hiện nay rất khó khăn”.
Tính rủi ro trong nghề nuôi cá tra rất lớn, nếu như 1 kg cá tra thương phẩm thấp hơn giá đầu vào 1.000 đồng thì người nuôi sẽ bị lỗ từ 300 triệu đến 350 triệu đồng 1 ha. Từ năm 2008 đến nay, giá cá tra thương phẩm luôn bấp bênh, thời điểm giá cá tăng cao rất ngắn, trong khi thời gian rớt giá lại rất dài, khiến người nuôi cá tra điêu đứng.
Với gíá cá tra 22.500 đ/kg là giá chung còn chuyện mua bán thực tế lại khác. Nếu bán vài tháng sau mới lấy tiền thì giá có thể lên đến 23.000 đến 24.000 đ/kg, còn trả tiền ngay thì sẽ thấp hơn giá thực tế từ 500 đến 1.000 đ/kg. Vậy là, người nuôi phải chịu cảnh nợ ngân hàng không trả được, thời điểm nuôi có lãi rất hiếm hoi và ngay khi giá cá thương phẩm tăng như hiện nay thì giá bán tại ao cũng thấp hơn 1.000 đ/kg. Ông Nguyễn Hoàng Nhu - Trưởng Trạm Khuyến Ngư huyện Kế Sách cho biết: “Việc nuôi cá tra thì nông dân cần nguồn vốn rất là lớn. Tuy nhiên việc trang trãi vốn bà con không thể và cần đến ngân hàng nhưng với tình hình nuôi hiện nay thì không ngân hàng nào dám cho nông dân vay vốn nuôi cá tra đó là cái khó thứ nhất. Khó khăn thứ 2 là giá thức ăn, do giá thức ăn chiếm 80% chi phí nuôi cá tra mà giá thức ăn thì hầu như luôn luôn tăng và ở mức cao. Thứ 3 là giá đầu ra cá tra không ổn định, tuy có giá nhích lên nhưng ít nông dân không lời nhiều. Một cái khó nữa là các công ty ép giá và chiếm dụng vốn của nông dân”.
Người nuôi cá tra xuất khẩu không chỉ đối phó với tình trạng giá cả đầu vào, đầu ra mà đến khi có cá để bán cũng chẳng dễ dàng gì! Tình trạng chiếm dụng vốn đã khiến bà con lao đao, chính vì vậy người nuôi cá tra thật sự ngao ngán với nghề này do vốn đầu tư lớn, tính rủi ro quá cao.