Ở các huyện Đông Hải, Hòa Bình, Giá Rai và TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) - những địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp lớn, người nuôi tôm than thở về giá tôm nguyên liệu đang “lao dốc” mà không có dấu hiệu chựng lại. Hiện, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại vuông với giá 75.000 đồng/kg, giảm hơn 25.000 đồng/kg so với tháng 4/2015. Còn tôm sú loại 20 - 40 con/kg được thu mua với giá từ 155.000 - 230.000 đồng/kg, giảm bình quân 30.000 đồng/kg so với tháng 4/2015 và giảm gần 50.000 đồng so với đầu năm 2015. Với giá tôm như hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40 - 70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra do các thương lái “tạm ngừng thu mua”, và giá bán cũng rất thấp làm cho nhiều hộ nuôi tôm lắc đầu ngao ngán.
Anh Trương Hoàn Kiếm (xã Tân Phong, huyện Giá Rai) bày tỏ: “Tôi còn 2 ao tôm thẻ đã đến kỳ thu hoạch. Song, do giá tôm quá thấp nên tôi cũng như nhiều bà con nuôi tôm chờ giá tôm tăng lên mới bán. Mặc dù mỗi ngày chi phí nuôi tôm tăng thêm, nhưng nếu thu hoạch tôm vào thời điểm này thì trừ chi phí, gia đình tôi lỗ gần 200 triệu đồng”.
Cùng với tôm nguyên liệu rớt giá, tình hình nắng nóng kéo dài cũng khiến cho dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng như phân, thuốc thú y thủy sản, thức ăn tôm, điện sản xuất… đều đồng loạt tăng giá, làm cho người nuôi tôm vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trung bình giá thức ăn tôm tăng 800 đồng/kg, các loại phân, thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản cũng tăng từ 9 - 10%.
Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trong khi giá tôm ngày một giảm nhưng chi phí phục vụ sản xuất ngày càng tăng nên người nuôi tôm không thể có lãi. Nếu giá tôm tiếp tục giảm như hiện nay, sau vụ nuôi này, tôi sẽ “treo ao” chờ giá tôm ổn định mới nuôi trở lại”.
Trước tình hình giá tôm sụt giảm, nhiều hộ nuôi tôm không còn mặn mà với việc cải tạo ao đầm để thả tôm nuôi, dù hiện tại đang vào vụ nuôi chính. Nhiều hộ chọn giải pháp “treo ao” để chờ giá tôm phục hồi mới tiếp tục đầu tư sản xuất. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, giá cả dần ổn định, bà con nuôi tôm trong tỉnh sẽ không có tôm để bán. Đồng thời các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng sẽ gặp khó khăn trong sản xuất khi không có nguồn tôm nguyên liệu ổn định.
Ông Trương Văn Triều, Phó phòng NN&PTNT huyện Giá Rai, cho rằng: “Để giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh cần ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, không bơm chích tạp chất vào tôm để có thị trường ổn định. Bà con nuôi tôm nên tuân thủ các khuyến cáo, lịch thời vụ để thả tôm nuôi, không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu sạch”.