Một nhà NK sở hữu một chuỗi cửa hàng lớn ở Mỹ cho biết, nguồn cung năm 2016 sẽ tốt hơn 2 năm trước đó và giá tôm năm nay sẽ ổn định.
Năm nay, sản lượng tôm Thái Lan dự kiến tiếp tục phục hồi sau dịch tôm chết sớm (EMS). Gần đây, người nuôi tôm và các nhà kinh doanh tôm Thái Lan dự đoán sản lượng tôm trong nước năm nay có thể tăng 10% đạt hơn 300.000 tấn. Sản lượng tôm nước này năm 2015 đạt khoảng 230.000 tấn.
Giá tôm nguyên con Thái Lan từ 4-9/1/2016 đạt 180-185 bạt/kg đối với cỡ 60 con/kg; 160-175 bạt/kg đối với cỡ 70 con/kg và 150-160 bạt/kg đối với cỡ 80 con/kg.
Giá tăng nhẹ so với giá trong tuần cuối cùng của tháng 12/2015 với 170-180 bạt/kg đối với cỡ 60 con; 155-165 bạt/kg đối với cỡ 70 con; 145-155 bạt/kg đối với cỡ 80 con.
Sản lượng tôm Ấn Độ năm 2016 cũng có tác động lớn tới thị trường tôm thế giới tuy nhiên lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt gần đây đang làm biến động nguồn cung tôm của nước này.
Sản lượng tôm của Ấn Độ dự báo chỉ tăng nhẹ so với năm 2015 do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá nguyên liệu thấp. Năm 2015, sản lượng tôm của nước này giảm 80.000 tấn xuống còn 280.000 tấn.
Công suất chế biến tôm ở Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong năm 2016 với nhiều nhà máy mới được xây dựng, các nhà máy hiện tại mở rộng và nâng công suất chế biến. Theo đó, giá nguyên liệu có khả năng tăng. Do vậy, 6 tháng cuối năm 2016, sản lượng tôm nước này có thể tăng nếu người nuôi coi đây là lí do để mở rộng diện tích nuôi.
Giá tôm chân trắng Ấn Độ đầu năm 2016 giảm do Lễ hội Thu hoạch Pongal khiến công suất chế biến giảm và nhu cầu tôm nguyên liệu thấp tuy nhiên giá tôm dự kiến tăng liên tục từ giữa tháng 1/2016.
Nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 dự kiến tăng do USD tăng giá, giá tôm giảm so với 2 năm trước đây và tăng trưởng kinh tế được cải thiện.
Các chương trình quảng cáo tôm bán lẻ ở Mỹ sôi động hơn do giá tôm bán buôn giảm. Xu hướng này sẽ giúp nhu cầu tôm tăng.