Tính đến ngày 5/8, khi TPHCM đã thực hiện 28 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7) thì các tỉnh miền Tây cũng đã trải qua 18 ngày (từ ngày 19/7). Dù đã thực thi nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng giá tôm thẻ tại ao vẫn đang tuột dốc, còn giá tôm bán lẻ ở TpHCM thì đắt đỏ, giá bán giữa các nơi chênh lệch khá nhiều.
Hiện nay, giá thu mua tôm thẻ ở các tỉnh miền tây giảm nhiều so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 giảm, với mức giảm từ 10.000 – 12.000đ/kg tùy size. Ghi nhận tại khu vực Cà Mau, giá tôm thẻ tại ao hôm nay với size 25con/kg giá 150.000đ/kg giảm 7.000đ/kg so với giá ngày 19/7, size 50con/kg giá 97.000đ/kg giảm 11.000đ/kg, size 70con/kg giá 85.000đồng/kg 12.000đ/kg.
Tôm thẻ ở TPHCM trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Ảnh: Tepbac.
Giá tôm tại ao ê chề là vậy, nhưng ngược lại tôm thẻ ở TP.HCM đã trở thành mặt hàng khan hiếm và đắt đỏ. Không những thế, giá tôm lại chênh lệch khá nhiều giữa các nơi bán.
Ở các chuỗi cửa hàng bình ổn, tôm thẻ về size nhỏ, ít và giá khá cao, được niêm yết vào ngày 4/8 là 209.000đ/kg tại Vinmart+ và 189.000đ/kg tại Bách Hóa Xanh với cỡ tôm từ 60 – 80con/kg.
Giá tôm ở Vinmart+ chiều ngày 4/8. Ảnh: Tepbac.
Trong khi đó, ở các hội nhóm bán thực phẩm, mặt hàng tôm được rao bán khá nhiều, đa dạng size và giá, đều được cam kết tôm tươi được vận chuyển từ miền tây.
Size tôm được rao bán khá lớn, thường gặp nhất là tôm thẻ size 30 – 35con/kg với giá bán ở mức giá trung bình đến 230.000đ/kg, nhưng có nơi cùng size chỉ bán với 170.000đ/kg. Chưa kể chi phí vận chuyển đến tận nhà tùy khoảng cách có khi lên đến gần trăm nghìn, như vậy, để được ăn 1kg tôm thẻ size 30con người Sài Gòn có thể phải chi trả đến hơn 300.000đ.
Giá tôm thẻ cùng size được rao bán khá chênh lệch khiến người tiêu dùng hoang mang.
Ngoài mặt hàng tôm thẻ thì các loại tôm thông dụng khác như tôm sú, tôm càng xanh vắng bóng hoàn toàn. Các loài cá nước ngọt trong khoảng 2 tuần nay cũng biệt tăm ở chuỗi Bách Hóa Xanh và Vinmart+, thỉnh thoảng xuất hiện cá tra hoặc điêu hồng với số lượng và tần suất ít ỏi. Ở thị trường “chợ đen”, giá cá nước ngọt bị đẩy lên cao ngất khoảng giá cá lóc là 120.000đ/kg, cá điêu hồng khoảng 85.000đ/kg.
Ngoài tôm thẻ, các loại tôm cá miền tây khác “mất tích” tại Bách Hóa Xanh. Ảnh: Tepbac.
Những người bán cao giải thích, giá bán cho người dùng tăng do vận chuyển quá khó khăn, nguồn tôm tuy nhiều nhưng để vận chuyển đến TpHCM lại không hề dễ dàng khi giãn cách chặt chẽ, “đường xanh” dường như không thấm vào đâu với nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đặc biệt với mặt hàng tươi sống như tôm thẻ thì trở ngại càng nhiều.
Phía những người bán với giá không tăng lại cho biết, do tôm được vận chuyển kèm xe gom hàng cứu trợ, nên chỉ bán giá bình ổn vừa giúp đỡ người nuôi vừa hỗ trợ thực phẩm cho TPHCM. Cũng có thêm thông tin, những bạn hàng tôm lâu năm đứng ra làm trung gian nhận tôm với số lượng nhỏ từ các tỉnh gần như Long An, Tiền Giang giúp đỡ người bán lẻ ở các điểm bán hàng bình ổn được cho phép. Như vậy, giá tôm ở những điểm này đỡ “sốt” hơn giá thị trường khá nhiều.
Nhìn qua một vòng giá thủy sản tại ao và bán lẻ trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 tại các tỉnh thành phía Nam, có thể thấy ngay bất cập khi tôm cá đầy ao không xuất được nhưng giá bán lẻ đến người dùng lại cao ngất ngưỡng, giá cả thị trường hỗn loạn. Chưa kịp nghĩ đến xuất khẩu lao dốc, ngành tôm có vẻ đang chới với ngay ở thị trường nội địa.