Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, tình hình vùng nuôi nguyên liệu đã có những bước tiến đáng kể khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra theo quy định của Nghị định 36/2014/NĐ-CP. Từ đầu năm đến nay đã có 184 doanh nghiệp xuất khẩu với 14.523 hồ sơ đăng ký xuất khẩu gần 480.000 tấn.
Từ tháng 6-2015, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu và thu thập dữ liệu về vùng nuôi. Qua đó, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra sẽ giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo sự công khai, minh bạch đối với thị trường cá tra và tăng thêm lợi ích cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lẫn hộ nuôi. Sau khi thu nhận thông tin về vùng nuôi và hợp đồng xuất khẩu, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có được bộ dữ liệu ban đầu, bao gồm danh sách doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường, giá bán, thông tin về vùng nuôi, hộ nuôi… Từ đó, tất cả thông tin về thị trường sẽ trở nên rõ ràng, cụ thể, có lợi cho doanh nghiệp vì thống kê và dự báo trước được số liệu để cân đối cung cầu, hỗ trợ phát triển bền vững ngành cá tra, đồng thời thực hiện được truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, giải quyết tình trạng bán phá giá. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nào muốn gây nhiễu để thao túng giá cả trên thị trường cũng sẽ không làm được vì thông tin và dự báo sắp tới cho thị trường đã có.
Đến nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có dữ liệu ban đầu về 900ha nuôi cá. Các số liệu này dần sẽ hoàn thiện khi các doanh nghiệp và hộ nuôi đăng ký vùng nuôi với hiệp hội. Đây là cơ sở để loại bỏ tình trạng gây nhiễu, thao túng giá trên thị trường cá tra xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành, người nuôi cá ở ĐBSCL kéo dài lo lắng vì tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Việc thực hiện sản xuất và tiêu thụ cá tra theo chuỗi cũng gặp không ít khó khăn. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, những hộ đang đăng ký liên kết vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp phần lớn là những hộ trước đây nuôi thua lỗ, vỡ nợ. Vì thiếu vốn, do ngân hàng cho vay phải có tài sản thế chấp, đến khi định giá đất theo quy định cho vay chỉ được vài chục triệu đồng. Do đó doanh nghiệp phải ứng tiền cho các hộ này tái đầu tư nuôi cá. Các hộ đang mong chờ cơ quan chức năng địa phương xác định đưa vào vùng quy hoạch nuôi cá.
Theo nhận định của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN- PTNT) ngành hàng cá tra VN có khả năng tiêu thụ rất lớn, xuất khẩu đến 142 thị trường các nước trên thế giới (chiếm tới 90% sản lượng), còn thị trường nội địa đang bỏ ngỏ, chỉ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn/năm.
Vì thế, để phát huy lợi thế của ngành hàng này, cần triển khai hiệu quả Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành về đầu tư, tín dụng hỗ trợ cho sản xuất giống, thức ăn thủy sản, kiểm soát môi trường, dịch bệnh và chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, cần có đề án để vực dậy ngành cá tra, giải quyết bài toán cung - cầu, xác định thị trường cần gì, phụ phẩm bán đi đâu...