Tại Bình Định, thời gian qua đa số thuyền trưởng tham gia đánh bắt hải sản xa bờ đều thực hiện đảm bảo việc ghi nhật kí khai thác thủy sản, tuy nhiên việc ghi nhật kí khai thác thủy sản bằng giấy vẫn còn nhiều cấp cập như ghi không đầy đủ thành phần loài thủy sản trong nhật ký khai thác so với thành phần loài thủy sản khi bốc dỡ thực tế; nhật ký thiếu thông tin; ghi sai lệch vị trí tọa độ trong nhật ký khai thác với vị trí tọa độ trong giám sát hành trình tàu cá; hồi ký lại nhật ký khai thác thủy sản dẫn đến sai lệch các mẽ câu hoặc mẽ lưới. Sản lượng thực tế bốc dỡ qua cảng chênh lệnh trên 20% so với sản lượng khai báo trước khi tàu cập cảng.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Bình Định hiện có đội tàu khai thác xa bờ lớn, riêng khai thác cá ngừ đại dương 1.420 tàu, sản lượng khai thác các ngừ đại dương chiếm gần 50% sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của cả nước do đó việc sử dụng nhật kí khai thác điện tử nhằm hạn chế những sai sót, không chính xác khi ghi Nhật ký khai thác bằng giấy.
Bình Định là tỉnh có nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển. Ảnh: CCTS
Cơ quan quản lý thủy sản, các cảng cá tiếp nhận được và công nhận thông tin về sản lượng khai thác ghi bằng Nhật ký điện tử của ngư dân trên phần mềm hệ thống quản lý thuận tiện trong quá trình theo dõi, lưu trữ hồ sơ và thuận lợi trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, hướng đến tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.
Tại hội thảo bàn giải pháp triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn vào tháng 6, các chuyên gia trình bày cụ thể về hệ thống truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản điện tử gồm các bên liên quan là ngư dân, cảng cá, doanh nghiệp, cơ quan thẩm quyền tại địa phương với 6 bước triển khai: (i) Quản lý tàu cá xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu, thuyền viên; (ii) Ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật kí điện tử ( e CDT); (iii) Quản lý tàu nhập cảng, cập nhật sản lượng khai thác từ e CDT; (iv) Giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; (v) Cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác ( SC) cho doanh nghiệp; (vi) Cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác ( CC) cho doanh nghiệp.
Thiết bị Nhật kí điện tử được lắp đặt trên tàu cá. Ảnh: CCTS
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho hay sẽ lựa chọn các tỉnh có nghề khai thác cá ngừ phát triển, mà cụ thể là tỉnh Bình Định để thử nghiệm và điều chỉnh hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử; sau đó nhân rộng sang các tỉnh khác.
Riêng đối với tỉnh Bình Định, chủ tịch UBND tỉnh rất quan tâm trong việc truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản điện tử, và đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm sử dụng nhật kí điện tử trên 100 tàu khai thác xa bờ của tỉnh. Hiện tại Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học (Viện ứng dụng công nghệ, Hà Nội) lắp đặt thử nghiệm thiết bị nhật ký khai thác điện tử (NKKTĐT) trên 10 tàu cá Bình Định, hiện đã thử nghiệm 2 chuyến và đang trong chuyến thứ 3; Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã lắp đặt thiết bị trên 10 tàu cá Bình Định, đã thử nghiệm 1 chuyến và hiện đang thử nghiệm chuyến thứ 2. Qua đánh giá các chuyến biển thử nghiệm cho kết quả khả quan.
Ông Nguyễn Thành Ân, 44 tuổi ở phường Tam Quan Bắc, làm nghề câu cá ngừ đại dương đã tham gia thử nghiệm thiết bị NKKTĐT của Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt chuyến biển đầu tiên, cho biết “tuy là lần đầu tiếp cận công nghệ này nhưng sau khi được hướng dẫn, tôi đã sử dụng thành thạo ứng dụng này.
Nhân viên Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt đang hướng dẫn Ngư dân Nguyễn Văn Nầy ( áo xanh) sử dụng app Nhật kí thai thác trên điện thoại smart phone. Ảnh: CCTS
Tôi thấy NKKTĐT đơn giản và hiệu quả, ngư dân chỉ cần bấm vào phần mềm được cài đặt sẵn, hệ thống sẽ tự động cập nhật thông tin về tọa độ, vị trí tàu, loại cá. Sau khi khai báo sản lượng, dữ liệu sẽ được gửi về Trạm bờ để cơ quan quản lý nhà nước theo dõi”
Kết quả thí điểm là cơ sở để Sở NN và PTNT đánh giá đầy đủ thông tin, dữ liệu, từ đó tham mưu UBND tỉnh chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu truy suất nguồn gốc khai thác thủy sản.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc Nhật kí điện tử được triển khai đảm bảo thực hiện đồng bộ giữa các bên liên quan tham gia chuỗi cung ứng truy xuất nguồn gốc thủy sản theo qui định, truy xuất đầy đủ thông tin phục vụ xuất khẩu được nhanh chóng, chính xác, minh bạch, giảm thiểu đến mức thấp nhất thời gian chờ giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản khai thác của nước ta.
Cùng với việc thí điểm, Sở NN&PTNT đề xuất Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tham mưu Bộ NN&PTNT sớm ban hành Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thiết bị NKKTĐT; tổ chức lựa chọn, công bố đơn vị đủ điều kiện cung cấp thiết bị nhật ký điện tử. Đồng thời, Cục Thủy sản sớm có văn bản hướng dẫn về thiết bị nhật ký điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Tổ chức các lớp tập huấn và đào tạo cán bộ chuyên môn về quản lý thiết bị nhật ký điện tử và thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử.