Để giúp nông dân thực hiện mô hình này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 54 bể ương tôm cho 54 hộ ở các huyện, thành phố Cà Mau và tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các đối tượng tham gia mô hình. Các hộ tham gia đều nằm trong tổ hợp tác sản xuất.
Anh Võ Hoàng Linh, Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa – tôm, ở ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình được hỗ trợ một bể ương diện tích 80 m2. Bể ương này có thể ương từ 140.000 – 150.000 con/đợt. Sau khoảng 15 ngày ương trên bể, tỷ lệ tôm sống đạt từ 85 – 90%, trọng lượng bình quân khi chuyển sang nuôi giai đoạn hai khoảng 6.000 – 10.000 con/kg, kích cỡ từ 1,8 – 2,2 cm.
Anh Linh cho biết: Nhờ được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nên từ khi được hỗ trợ bể ương đến nay tôi đều ương thành công, với tổng số 11 đợt. Ưu điểm dễ nhận thấy nhất từ mô hình nuôi tôm hai giai đoạn là tỷ lệ tôm hao hụt ít, dễ kiểm soát đầu con, dễ cải tạo môi trường. Con tôm sau khi được ương trên bể đã dần thích nghi với môi trường nước, nên khi chuyển xuống vuông sẽ đạt đầu con hơn, tỷ lệ đạt khoảng 70%.
Bể ương của anh Võ Hoàng Linh đang được cải tạo để chuẩn bị cho đợt ương tôm thứ 12.
Trước đây với 02 ha đất nuôi theo hình thức truyền thống, anh Linh thả từ 100.000 – 200.000 con tôm post giống/vụ, nhưng sau khi có bể ương, số lượng tôm giống mỗi lần thả nuôi chỉ từ 50.000 – 60.000 con/vụ. Số lượng tôm giống giảm nên giảm được chi phí sản xuất ban đầu, nhưng năng suất, lợi nhuận thu được cũng như hình thức nuôi tôm truyền thống, mỗi vụ thu được khoảng 50 – 60 triệu đồng, sau 3 tháng thả nuôi. Nhưng điều quan trọng nhất là tôm nuôi ít bị dịch bệnh và không bị chết như trước đây.
Trong chuyến kiểm tra thực tế tình hình sản xuất tại Tổ hợp tác lúa – tôm, ở ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho rằng: Mặc dù quy mô thực hiện ương tôm trên bể để nuôi tôm hai giai đoạn không lớn, nhưng là hình thức tốt, quản lý được môi trường, ít rủi ro, tăng năng suất nên cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng trong dân.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh phát triển gần 28.200 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn, với trên 23.400 hộ nuôi; trong đó, bao gồm các loại hình nuôi chuyên tôm, tôm - rừng và tôm - lúa.
Theo nhận định của ngành chuyên môn: Đây là mô hình kiểm soát được mật độ tôm nuôi, chi phí thả giống thấp, kiểm soát được lượng thức ăn, dễ áp dụng, nên người dân cần thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi quy trình từ thả thẳng tôm post vào vuông sang hình thức nuôi tôm hai giai đoạn, để hiệu quả kinh tế đạt cao hơn, sản xuất bền vững hơn.