Ếch Thái Lan là một đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao và có nhiều tiềm năng phát triển ở thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Ếch có tốc độ tăng trưởng nhanh, chủ động được nguồn giống nhân tạo, hình thức nuôi và kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí đầu tư thấp, diện tích nuôi không quá lớn,…nên các mô hình nuôi ếch ngày càng phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như nuôi trong ao đất, bể xi măng, giai và bể bạt.
Tuy nhiên, nghề nuôi ếch ở Việt Nam thường phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch. Hậu quả là môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, ếch nuôi dễ mẫn cảm với dịch bệnh. Một số bệnh thường gặp trên ếch như bị quẹo cổ chiếm tỷ lệ 77,08%, bệnh mù mắt chiếm 72,92%, bệnh lở loét chiếm 64,58% và bệnh sình bụng chiếm 64,58%.
Các mô hình nuôi ếch thâm canh hiện nay thường sử dụng thức ăn công nghiệp; tuy nhiên giá cả thị trường không ổn định, giá thức ăn ngày càng tăng nên hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề nuôi ếch chưa nhiều cho các hộ nuôi.
Vì vậy, để nghề nuôi ếch Thái Lan phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao, vấn đề cấp thiết hiện nay là nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, từ đó giảm chi phí thức ăn và hạn chế chất thải vào môi trường
Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng phương pháp cho ăn gián đoạn đã
tối ưu hóa hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm chi phí thức ăn, đồng thời giảm sự ô nhiễm chất lượng nước.
Thí nghiệm bao gồm 4 nghiệm thức, bao gồm:
- NT đối chứng (cho ăn liên tục)
- NT2:1 (cho ăn 2 ngày và gián đoạn 1 ngày)
- NT4:1 (cho ăn 4 ngày và gián đoạn 1 ngày)
- NT6:1 (cho ăn 6 ngày và gián đoạn 1 ngày).
Ếch thí nghiệm (khối lượng 18,3 g) được nuôi trong bể composite (500 L/bể) với mật độ 60 con/bể và cho ăn 3 lần/ngày (8 giờ, 17 giờ và 20 giờ) bằng thức ăn công nghiệp 35% đạm (Ranalis).
Sau 60 ngày nuôi, ếch Thái Lan đạt tăng trưởng tốt nhất khi cho ăn 6 ngày và gián đoạn 1 ngày (tăng trưởng là 106,7 g; tốc tộ tăng trưởng tuyệt đối là 1,78 g/ngày) và có hệ số chuyển hóa thức ăn thấp hơn đáng kể so với ếch được cho ăn liên tục. Tỷ lệ sống của ếch không bị ảnh hưởng bởi phương pháp cho ăn gián đoạn thức ăn và dao động từ 83,9 - 88,9%. Các yếu tố môi trường nước trong suốt thời gian thí nghiệm rất thích hợp cho ếch Thái Lan sinh sống và phát triển.
Chi phí thức ăn cho 1 kg ếch tăng trọng ở nghiệm thức cho ăn 6 ngày và gián đoạn 1 ngày đã tiết kiệm được 3,94 nghìn đồng (giảm 17,5%) so với nghiệm thức cho ăn liên tục. Như vậy, khi cho ếch Thái Lan ăn 6 ngày và gián đoạn 1 ngày sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thí nghiệm này.
Cần ứng dụng phương pháp cho ếch Thái Lan ăn 6 ngày và gián đoạn 1 ngày trong điều kiện thực tế nuôi ếch thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhậpcho người nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo Lê Quốc Phong - Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Tiền Giang