Đây cũng là một vấn đề trọng tâm tại hội nghị về tái cơ cấu ngành thủy sản, do Bộ NNPTNT vừa tổ chức tại Bạc Liêu.
Giá bán cá tra bấp bênh một phần bắt nguồn từ thức ăn cho cá hiện 70% phải nhập khẩu (bột cá, bã đậu nành), làm đội giá thành lên cao. Do thức ăn chủ yếu nhập khẩu nên khi đồng USD tăng thì giá thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ tăng cao.
Để tháo gỡ cho tình trạng này, ông Trần Anh Thư cho rằng: Thứ nhất, cần phải nuôi cá tra theo kiểu liên kết dọc, nghĩa là HTX hay người nuôi liên kết với doanh nghiệp chế biến, với Ngân hàng NNPTNT và công ty thức ăn chăn nuôi. Với cách liên kết này, các bên đều có lợi vì doanh nghiệp chế biến khi xem xét cá thương phẩm đạt chuẩn sẽ đưa vào danh sách và tiến tới ký hợp đồng 3 bên giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến và công ty thức ăn. Có như vậy, người nuôi có thể an tâm vì có doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, không lo chuyện vay vốn, chất lượng con giống, thức ăn tốt.
Giải pháp thứ 2 là đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất giống để tạo ra nguồn giống tốt, cần quản lý tốt hệ số chuyển hóa thức ăn theo xu hướng giảm để người nuôi có lời, đồng thời đầu tư lại hệ thống hạ tầng thủy lợi vùng nuôi, vì lâu nay thủy lợi chỉ phục vụ trồng lúa.
Đồng quan điểm về giải pháp tái cơ cấu thủy sản ngành cá tra, ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Cần phải có sự phối hợp giữa vùng nuôi cá tra với doanh nghiệp chế biến thức ăn. Muốn làm được điều này, ngành chức năng quản lý về mặt Nhà nước cần đứng ra làm cầu nối trực tiếp cho người nuôi với nhà sản xuất thức ăn”.
“Đồng Nai có 23 công ty chuyên sản xuất thức ăn thủy sản, chất lượng thức ăn tốt, đạt chuẩn… đang cung cấp phần lớn nguồn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, nhưng chủ yếu phải thông qua hệ thống phân phối là các đại lý. Do đó nếu có sự liên kết giữa người nuôi và công ty sản xuất thức ăn thủy sản (không thông qua đại lý), giá thành sẽ giảm, nâng cao lợi nhuận cho người nuôi” – ông Báu nói.