Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù năm 2012 diện tích và sản lượng cá tra của nước ta đều tăng, song năng suất lại giảm mạnh so với năm ngoái do dịch bệnh và sản xuất kém bền vững. Năm 2013, cá tra tiếp tục được xác định là một trong 5 mặt hàng thủy sản chủ lực của nước ta. Để nâng cao hiệu quả của sản xuất cá tra, bên cạnh việc duy trì ổn định diện tích nuôi, cần tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi khu vực ĐBSCL.
Trong năm 2012, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 5,8 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2011, trong đó sản lượng cá tra ước đạt 1,19 triệu tấn, tăng 3,4%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc tổ chức sản xuất, chế biến cá tra hiện vẫn còn nhiều bất cập, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi. Năng suất cá tra bình quân năm 2012 chỉ đạt 274 tấn/ha, giảm hơn 30 tấn/ha so với 2011.
Thời điểm hiện tại, mặc dù thị trường tiêu thụ cá tra ở một số nước tăng do nhu cầu phục vụ đón năm mới nhưng giá thu mua cá tra tại các tỉnh ĐBSCL lại giảm 500-700 đ/kg so với đầu tháng 12/2012, ở mức 20.500-21.700 đ/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất cá tra lên tới 23.000-24.000 đ/kg, như vậy người nông dân đang lỗ 3.000-3.300 đ/kg. Đặc biệt, giá thức ăn cho cá tra tiếp tục tăng càng khiến cho người nông dân gặp khó khăn. Từ quý I đến quý III/2012, thức ăn cho cá tra đã tăng 15-20%, riêng trong quý III các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá thức ăn cá tra 3 lần lên mức 12.000-14.500 đ/kg, tăng 40% trong vòng 3 tháng. Trong khi các chi phí đầu vào ngày càng gia tăng, người sản xuất và DN chế biến cá tra còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay cả nước chỉ còn 160 DN xuất khẩu cá tra, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2011. Trong số đó chỉ có 20% duy trì được xuất khẩu ổn định, còn lại chỉ sản xuất và xuất khẩu cầm chừng. Trước tình hình người nuôi và DN chế biến cá tra gặp nhiều khó khăn, trong năm 2012, Tổng cục Thủy sản đã kịp thời tham mưu cho Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đối với cá tra (tại Công văn số 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời đã tham mưu cho Bộ ban hành công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, báo cáo kết quả của đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với cá tra để có điều hành và điều chỉnh kịp thời.
Năm 2013, cá tra tiếp tục được xác định là một trong 5 mặt hàng thủy sản chủ lực, cùng với tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá rô phi và cá ngừ đại dương. Để sản xuất cá tra mang lại hiệu quả cao, cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm tháo gỡ khó khăn về vốn cho người sản xuất, chế biến cá tra; phấn đấu năm 2013 sẽ giữ nguyên diện tích nuôi 5,6 nghìn ha và sản lượng đạt 1,2 triệu tấn; tăng nhẹ so với năm 2012.
Ngoài ra, ngành thủy sản cũng cần phải tích cực nâng chất lượng sản phẩm cá tra để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kể cả những thị trường khó tính nhất. Đồng thời, tham gia giải quyết những vướng mắc, rào cản thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu cho cá tra. Hiện Tổng cục Thủy sản đang tham mưu cho Bộ NN&PTNT xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về quản lý, sản xuất và xuất khẩu cá tra và theo dự kiến nghị định này sẽ được hoàn thiện sớm trong năm 2013.