Cây Khổ cốt (Sophorae flavescentis) một loài thuộc họ Đậu – Fabaceae. Trong rễ Khổ cốt có các alcaloid matrin, oxymatrin, sophoranol, N-methylcytisin, anagyrin, baptifolin, sophocarpin, d-isomatrin, kuraridin, norkurarinon, kuraridinol, kurarinol, neo-kurarinol, norkurarinol, formononetin. Lá chứa vitamin C 47mg%; hoa chứa 0,12% tinh dầu. Các nghiên cứu trước đây cho thấy rễ cây Khổ cốt khi trộn vào thức ăn giúp trị giun cho cá với liều 50ppm (Choi và cộng sự, 2014).
Cá rô phi, cá điêu hồng được nuôi rộng rãi ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Nhiều công trình nghiên cứu về dịch bệnh xảy ra trên cá đã cho thấy vi khuẩn Streptococcus spp. là một trong những nguyên nhân gây bệnh, thiệt hại lớn cho người nuôi cá rô phi và điêu hồng. Bệnh xuất hiện gây tổn thất lớn, tỷ lệ chết lên tới 60 - 100%. Cá bị bệnh thường bỏ ăn nên khó đưa thuốc điều trị vào cơ thể. Bệnh thường xảy ra khi nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, giống mang sẵn mầm bệnh nhưng chưa được xử lý diệt trùng. Hoặc nguồn nước kém chất lượng khi bị ô nhiễm hóa chất độc, vi khuẩn, virus, hàm lượng chất hữu cơ cao, khí độc tích tụ…; Khi môi trường nuôi không thuận lợi, ở những tháng có nhiệt độ cao vào tháng 3 đến tháng 5 (lên tới 35 - 40oC) và cũng có thể xảy ra bất cứ tháng nào trong năm. Ngoài ra, cá được nuôi với mật độ cao cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh cho cá, tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội xâm nhập.
Các hoạt chất kháng khuẩn từ thực vật được nghiên cứu mạnh mẽ, bao gồm những loài cây có khả năng chống lại bệnh xuất huyết lồi mắt trên cá rô phi. Trong đó phải kể đến cây Khổ cốt.
Tác dụng của lá Khổ cốt trong phòng trị bệnh cho cá rô phi
Thí nghiệm có tất cả 6 chế độ ăn, trong đó có 5 nhóm cá thử nghiệm ăn thức ăn có bổ sung thêm 0,025%, 0,050%, 0,1%, 0,2% và 0,4% dịch trích rễ và lá của cây Khổ cốt S. flavescens, và một nhóm cá đối chứng không bổ sung S. flavescens. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm các đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của cá (lysozyme, antiprotease) và đáp ứng miễn dịch tế bào (các loại oxy phản ứng và sản xuất các hợp chất nitơ và myeloperoxidase), cũng như khả năng kháng bệnh của cá đối với Streptococcus agalactiae.
Kết quả phân tích cho thấy việc bổ sung lá khổ cốt S. flavescens ở tất cả các liều giúp tăng cường đáng kể lysozyme huyết thanh, antiprotease, và hoạt động tan máu tự nhiên của cá, điều này rất có lợi cho cơ chế kháng bệnh của cá.
Tương tự như vậy, tất cả nhóm cá ăn thức ăn bổ sung S. flavescens đều tăng cường hoạt động myeloperoxidase tế bào. Sự gia tăng sản xuất các oxy phản ứng và hợp chất trung gian nitơ phản ứng bởi bạch cầu máu đã được quan sát thấy ở hầu hết các nhóm trong suốt giai đoạn thử nghiệm.
Cá cho ăn 0,1% S. flavescens có tỷ lệ tử vong là 21,1% và tỷ lệ sống sót tương đối là 73,3%, cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng trong thí nghiệm thử thách với vi khuẩn gây bệnh là S. agalactiae.
Kết quả cho thấy chiết xuất từ lá của cây Khổ cốt S. flavescens có thể được các nhà khoa học khuyến cáo như là một thức ăn bổ sung cho cá để tăng cường khả năng miễn dịch của chúng và khả năng kháng bệnh hữu hiệu đối với liên cầu khuẩn S. agalactiae. Đây là một loài cây hoang dại thường mọc nhiều ở vùng nhiệt đới đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Vì vậy chúng rất dễ dàng tìm thấy ở nước ta, nên việc ứng dụng loài thảo mộc này vào hoạt động nuôi trồng thủy sản là rất khả quan.