Nằm ở duyên hải tỉnh Tiền Giang, với chiều dài bờ biển khoảng 30km, Gò Công Đông có lợi thế về phát triển kinh tế thủy sản với hai thế mạnh quan trọng là nuôi trồng và đánh bắt. Về đánh bắt, huyện có đội tàu hùng hậu chuyên đánh bắt khơi xa khai thác nguồn lợi hải sản có giá trị xây dựng quê hương, đồng thời còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Bên cạnh, địa phương có giàu tiềm năng về nuôi trồng ở cả ba vùng sinh thái: Lợ, mặn, ngọt, với những đối tượng nuôi có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao như nghêu, tôm sú, tôm thẻ, các loại cá nước ngọt khác,... Đặc biệt, Gò Công Đông có bãi nuôi nghêu diện tích khoảng 2.000 ha tập trung tại xã ven biển Tân Thành hàng năm đạt sản lượng khai thác gần 20.000 tấn sản phẩm. Đây là đối tượng hải sản có giá trị chế biến xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa cao, từng đóng góp tích cực vào sự phồn vinh của miền quê biển Tân Thành hôm nay nói riêng và vùng duyên hải Gò Công.
Thị trấn Vàm Láng, thị trấn Tân Hòa, Kiểng Phước, Tân Thành... là những địa phương được xem như cái nôi của nghề biển huyện Gò Công Đông. Trong những năm gần đây, nằm trong chiến lược phát huy các tiềm năng đất đai, lao động để phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt hải sản đủ mạnh, đủ sức vươn ra khơi xa khai thác hải sản xa bờ để làm giàu cho quê hương, góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, huyện hiện có 774 tàu đánh bắt với tổng công suất gần 214.000 CV, trong đó đội tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên/chiếc, chuyên đánh bắt xa bờ lên đến 457 phương tiện, tổng công suất gần 167.000 CV. Đây là đội tàu đánh bắt hùng hậu nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Tổ chức lại sản xuất nghề biển theo hướng hình thành các tổ, đội liên kết khai thác phù hợp với tình hình mới vừa nâng cao được hiệu quả khai thác, phòng tránh thiên tai và rủi ro, bảo đảm an toàn cho ngư dân khi hành nghề giữa đại dương cũng là nỗ lực lớn của huyện Gò Công Đông. Thực hiện mục tiêu, địa phương đã thành lập được 32 tổ hợp tác khai thác biển, tập trung ở các xã có truyền thống đánh bắt hải sản, quy tụ 129 phương tiện đánh bắt, tổng công suất 51.600 CV, với trên 1.000 lao động.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, nhìn chung, mô hình tổ hợp tác khai thác biển hoạt động hiệu quả, thiết thực, giúp nhau trong quá trình hoạt động ngoài khơi xa, tiết giảm chi phí sản xuất, vừa kịp thời giúp nhau xử lý những tình huống bất trắc khi có bão tố, thiên tai hoặc rủi ro khác.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã quy hoạch thị trấn Vàm Láng là thị trấn biển với những dịch vụ hậu cần hoàn thiện phục vụ nghề khai thác hải sản như: Cảng cá, khu dịch vụ hậu cần thủy sản, khu neo đậu tránh trú bão cho đội tàu đánh bắt, mở mang nghề sơ chế tôm cá, làm khô, mắm và các dịch vụ tiêu thụ thủy sản, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu, lương thực thực phẩm cho các đoàn tàu đánh bắt vươn khơi... , tạo tiền đề để ngành nghề đánh bắt hải sản truyền thống ngày càng lớn mạnh, tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Năm 2018, huyện Gò Công Đông phấn đấu đạt sản lượng thủy sản gồm cả nuôi trồng và đánh bắt trên 70.000 tấn tôm cá các loại, trong đó, riêng khai thác biển trên 46.000 tấn, chiếm đến 2/3 tổng sản lượng. Địa phương cũng phấn đấu đạt giá trị sản lượng toàn ngành thủy sản trên 2.957 tỉ đồng.