Nằm ở cực Nam Tổ quốc, Cà Mau là tỉnh duy nhất của Việt Nam có ba mặt giáp biển, với bờ biển dài 254km và là một trong bốn tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Cà Mau có vị trí nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, nối liền ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.
Cà Mau được xem là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế thủy sản lớn nhất nước. Chỉ tính riêng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 296.000ha; trong đó diện tích nuôi tôm xuất khẩu trên 266.000 ha (chiếm hơn 1/3 diện tích nuôi tôm cả nước).
Theo đó, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản hàng năm bình quân đạt trên 441.000 tấn; trong đó sản lượng tôm chiếm tỷ trọng 34%. Hiện nay, với đội tàu hàng nghìn chiếc, hàng năm sản lượng khai thác hải sản của Cà Mau đạt trên 150.000 tấn. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Hiện sản phẩm thủy hải sản của tỉnh đã xuất khẩu sang trên 40 nước, vùng lãnh thổ, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt ở mức kỷ lục là 1,3 tỷ USD, dự kiến năm 2015 sẽ tăng tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, vùng biển Cà Mau có tiềm năng lớn về khí đốt, trữ lượng khoảng 170 tỷ m3, là cơ sở để phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng khí tự nhiên như: điện, đạm và một số ngành sử dụng khí thấp áp khác, là một trong những trung tâm sản xuất điện và đạm của quốc gia.
Đặc biệt, đảo Hòn Khoai của tỉnh Cà Mau có tiềm năng rất lớn về xây dựng cảng biển nước sâu, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập hàng hóa tổng hợp cho các loại tàu có trọng tải 250.000 tấn, là cảng trung chuyển hàng hoá đa năng, không chỉ phục vụ vận chuyển hàng hoá cho tỉnh Cà Mau, mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Cà Mau có 6/9 huyện tiếp giáp với biển, chiếm gần 60% dân số toàn tỉnh, vì thế nguồn lao động tham gia vào các hoạt động kinh tế biển khá dồi dào. Chỉ riêng các cửa biển trọng điểm về nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá như: Kinh Hội, Sông Ông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Tàu, Gành Hào, Rạch Gốc... đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nguồn vốn còn hạn hẹp nên đến nay, kết cấu hạ tầng các vùng ven biển Cà Mau vẫn còn yếu kém. Như trường hợp việc xây dựng cảng Năm Căn phải dở dang vì thiếu vốn. Còn tại Sông Đốc, thị trấn miền biển lớn nhất của Cà Mau với đội tàu khai thác hơn 1.300 chiếc, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ mới có một cảng cá và một khu neo trú bão.
Một yếu tố khác cũng khiến kinh tế biển Cà Mau gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây là tàu khai thác từ các tỉnh khác đổ về Cà Mau khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, bởi nơi đây luôn được xem là ngư trường trọng điểm của cả nước.
Bên cạnh đó, cơ cấu tàu khai thác thủy sản của địa phương vẫn chưa hợp lý, bởi hiện có trên 65% tàu có công suất dưới 90 CV điều này dẫn đến tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ. Từ đó, sản phẩm sau khai thác chiếm phần nhiều là cá tạp, cá phân... có giá trị kinh tế thấp. Mặt khác, việc thiếu điều tra, dự báo ngư trường và nguồn thủy sản và chưa có quy hoạch khai thác thủy sản cụ thể cũng là một nguyên nhân khiến cho nền kinh tế biển của Cà Mau chưa thể phát huy hết tiềm năng.
Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau nhận định hạ tầng chính là hạn chế của tỉnh trong thu hút đầu tư ngoài tỉnh cũng như đầu tư ngoài nước. Thời gian qua, hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá, đường thủy cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng hạn chế lớn nhất còn tồn tại hiện nay chính là hạ tầng đường hàng không và cảng biển.
Ðây là điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút đầu tư của tỉnh do chi phí đầu tư cao, khiến công tác thu hút đầu tư luôn gặp khó khăn. Tiềm năng là vậy nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ thu hút được 18 dự án đầu tư nhưng đa phần trên lĩnh vực thuỷ sản, còn các ngành, nghề khác ở những lĩnh vực khác hầu như vắng bóng.
Từ hạn chế ấy, trong kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định sẽ tập trung phát triển, kiện toàn hệ thống hạ tầng. Theo đó, cảng biển tổng hợp Hòn Khoai là một trong những dự án cực kỳ quan trọng, khi hoàn thành đưa vào hoạt động không chỉ vực dậy nền kinh tế biển của vùng Ðất Mũi mà sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư tại các khu kinh tế khác trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ, khi đó hàng hoá xuất, nhập khẩu từ đường biển thông qua cảng sẽ giảm chi phí lớn, từ đó các nhà đầu tư sẽ đổ về.
Theo dự kiến, Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai sẽ được xây dựng với mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD và thời gian thực hiện dự án từ năm 2016-2020. Trong đó, bao gồm các hạng mục công trình chính như: đê chắn sóng, 1 khu bến cho tàu có công suất 250.000 DWT; bến chuyển tiếp đáp ứng cỡ tàu từ 5.000 DWT đến 100.000 DWT; khu bến cho tàu lai dắt, tàu tuần tra và dịch vụ; xây dựng cầu dẫn nối đảo Hòn Sao vào đất liền…
Việc xác định rõ mục tiêu xây dựng vùng biển và ven biển trở thành “vùng kinh tế mở” là động lực cho phát triển kinh tế, nên Cà Mau đang xúc tiến nhiều dự án hạ tầng, dân sinh nhằm tạo bứt phá mới cho kinh tế biển.
Tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng một số cửa biển quan trọng tại địa phương. Tỉnh Cà Mau có gần 100 cửa biển, cửa sông nơi nào cũng có tiềm năng và lợi thế riêng. Nhưng với khả năng tài chính có hạn, trước mắt tỉnh chọn những nơi quan trọng đầu tư làm điểm đột phá, sau đó từng bước để đầu tư thêm, mục đích là khai thác tối đa lợi thế tiềm năng của các cửa biển để phát triển kinh tế. Theo đó, có 3 cửa biển được ưu tiên đầu tư là cửa biển Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời; cửa biển Khánh Hội thuộc huyện U Minh và cửa biển Bồ Đề thuộc huyện Năm Căn..
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, để phát triển kinh tế biển, đầu tư cơ sở hạ tầng được xem đòn bẩy. Vì thế, song hành với các dự án xây dựng khu neo trú bão, các công trình phục vụ hậu cần nghề cá thì địa phương sẽ tập trung phát triển các dự án hạ tầng vùng nuôi thủy sản ven biển như: xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè ven cụm đảo Hòn Chuối; xây dựng vùng nuôi hàu ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và 2 vùng nuôi sò huyết ven biển khác... nhằm phát triển đồng bộ trên cả hai lĩnh vực khai thác và nuôi trồng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bửu San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho biết, để kinh tế biển phát triển mạnh mẽ, bên cạnh cơ sở hạ tầng, nhất thiết phải đầu tư dịch vụ hậu cần cần nghề cá và khoa học kỹ thuật trong khai thác cho ngư dân. Một dẫn chứng cụ thể là công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác có mức hao hụt trên 20%, như thế là quá nhiều.
Để kinh tế biển phát triển ổn định, Cà Mau cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó có gói giải pháp hỗ trợ phát triển hậu cần nghề cá và giúp ngư dân vươn khơi ./.