Thực trạng cảng cá
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam bởi Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của Ủy ban châu Âu.
Ngay sau khi Ủy ban châu Âu cảnh báo “Thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.
Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu được đánh giá có lượng tàu thuyền to vào neo đậu nhiều nhất tỉnh. Đơn vị quản lý cảng cá ở đây vì thế khá vất vả trong công tác thực hiện nhiệm vụ hàng ngày.
Tuy nhiên, khi đoàn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại cảng cá, đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Đó là: Đường vào cảng cá chưa đảm bảo, cảng cá còn ô nhiễm môi trường; công tác kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng chưa đúng theo quy định, mới dừng lại ở chỗ đăng ký xuất, nhập bến để thu phí tàu thuyền hàng ngày. Tàu thuyền công suất trên 90CV chưa lắp đặt hệ thống định vị… Công tác ghi chép sổ sách của ban quản lý cảng cá thiếu cụ thể. Nhất là trong việc kiểm soát tàu cá cập cảng thiếu tính chính xác, chưa quan tâm đến an toàn tàu thuyền, sản lượng hải sản.
Ông Chu Văn Tấn - Phụ trách Cảng cá Lạch Vạn cho biết: Cảng được nhà nước đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện cho tàu thuyền cập cảng. Mỗi năm có trên dưới 2.700 lượt tàu thuyền ra vào cảng. Sản lượng hải sản qua cảng đạt trên 10.500 tấn/năm. Ban quản lý cảng cá đã kiểm soát được 1.373 lượt tàu thuyền ra vào cảng, sản lượng hải sản được kiểm soát gần 6.000 tấn.
Tuy nhiên, do đơn vị không có thiết bị giám sát hành trình, trong khi đó, phần lớn tàu thuyền cũng chưa lắp đặt hệ thống định vị trên tàu, nên anh em trong đơn vị thường xuyên tuyên truyền đến ngư dân không đánh bắt trên vùng biển nước khác. Hơn nữa, do nhân lực ít, nên đơn vị chưa làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền, hải sản… theo luật khai thác thủy sản mới.
Thực trạng đó không chỉ ở cảng Lạch Quèn mà phổ biến tại cả 3 cảng cá còn lại trên địa bàn tỉnh (cảng cá Quỳnh Phương, cảng cá Lạch Vạn và cảng cá Cửa Hội).
Cảng cá Lạch Quèn luôn nhộn nhịp
Ông Nguyễn Hữu Thọ - đại diện Ban quản lý Cảng cá Nghệ An thừa nhận, ở các cảng cá có những bất cập; đơn vị cũng chưa làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Vì vậy, thời gian tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng làm tốt công tác này.
Quản lý tốt từ cảng để “gỡ thẻ vàng”
Khai thác thủy sản trên biển là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của nước ta. Sản phẩm thủy, hải sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, từ khi Ủy ban châu Âu EC ra “Thẻ vàng châu Âu” đối với mặt hàng hải sản Việt Nam, Chính phủ đặc biệt quan tâm, nỗ lực tháo gỡ. Để khắc phục được “Thẻ vàng châu Âu” đòi hỏi nghề đánh bắt thủy sản của Việt Nam nói chung, mỗi địa phương nói riêng phải tuân thủ theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.
Cảng cá Lạch Quèn luôn tấp nập tàu cá
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến, trong tháng 3 tới đây, Ủy ban châu Âu EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp để tháo gỡ “Thẻ vàng châu Âu” đối với Việt Nam. Trong đó, Nghệ An là một trong những địa phương được tổ chức EC trực tiếp kiểm tra.
Nội dung kiểm tra của tổ chức EC chủ yếu là hoạt động tàu thuyền, thuyền viên, việc giám sát đánh bắt của cơ quan chức năng và mọi hoạt động tại cảng cá. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập của hoạt động tại cảng cá trên địa bàn Nghệ An hiện nay, để chính quyền địa phương tập trung khắc phục trong thời gian sớm nhất. Vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng của Nghệ An làm tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu, thực hiện; bên cạnh đó, số tàu có chiều dài trên 15 m phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Các cảng cá trên địa bàn tỉnh luôn nhộn nhịp
Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành một số văn bản, kế hoạch, trong đó có Kế hoạch số 694/KH-UBND ngày 23/11/2017 về triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá ngư dân Nghệ An khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài từ nay đến năm 2020.
Thời gian tới đây, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu về luật khai thác thủy sản mới; nâng cao năng lực hoạt động tại các cảng cá, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền... nhằm đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về khắc phục hạn chế, gỡ “thẻ vàng châu Âu”.
Trong 2 năm (2017 và 2018), Chi cục Thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Chi cục Kiểm ngư Vùng 1 thực hiện tuần tra 175 lượt, với 6.785 lượt phương tiện được kiểm soát, xử phạt hành chính 346 phương tiện có hành vi khai thác thủy sản trái phép.