Hiện nay, vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đáng báo động và gây ra rất nhiều bức xúc nhất cho người tiêu dùng. Việc sử dụng tràn lan các hóa chất, chất cấm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong thời gian qua, vấn đề này đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Việc bổ sung, sửa đổi nhiều quy định sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý hình sự và răn đe các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó, có các vấn đề liên quan đến ATTP gây nhiều nhức nhối trong thời gian qua.
Hà Nội là một trong địa phương có nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của cả nước. Do đó, việc kiểm soát chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong thời gian qua chưa được kiểm soát chặt chẽ và diễn biến hết sức phức tạp.
Để chấn chỉnh và kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 2/6, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị ký cam kết kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Tại Hội nghị đại diện các cơ sở, doanh nghiệp đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định về ATTP trong kinh doanh và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về 4 nội dung:
Thứ nhất, chỉ mua, bán sản phẩm theo chuỗi từ sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến đến kinh doanh có đủ điều kiện ATTP và được xác nhận theo quy định. Đồng thời đảm bảo ATTP trong bảo quản, vận chuyển, vật liêu bao gói đáp ứng quy định của pháp luật, không kinh doanh thực phẩm biến chất.
Thứ hai, thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm kinh doanh, không quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn với người tiêu dùng.
Thứ ba, tuân thủ đầy đủ và duy trì các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định về trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh, phòng chống động vật, côn trùng gây hại và xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.
Thứ tư, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh phải có kiến thức về ATTP về lĩnh vực kinh doanh và sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 4001/VP-KT yêu cầu các Sở, ngành công bố cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và triển khai xác nhận sản phẩm an toàn trên địa bàn thành phố
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội, tính đến hết ngày 31/5, TP Hà Nội có 264 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Trong đó có 157 cơ sở kinh doanh sản phẩm thịt và rau, 48 cơ sở kinh doanh thủy sản và 59 cơ sở kinh doanh tổng hợp.
Về loại hình chuỗi cung ứng, có 250 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện ATTP, 8 cơ sở kinh doanh sản phẩm an toàn theo chuỗi và 6 cơ sở kinh doanh sản phẩm an toàn theo chuỗi được xác nhận.