“Ngồi mát đòi ăn bát vàng”
Vào ngày 01/8/2018, hộ ông Kiều Viết Phương và ông Nguyễn Văn Hảo – thành viên Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đã thu tỉa ốc hương với số lượng 5 tấn sau hơn 4 tháng trời ngày đêm vất vả nuôi trồng. Tuy nhiên, vào lúc 8h tối cùng ngày, khi hộ ông Nguyễn Văn Hảo đang thu hoạch ốc thì có 2 chiếc xe taxi chở 6 người, trong đó có một người tên Thanh (trú tại thôn 5, xã Cẩm Lĩnh) đến yêu cầu thương lái thu mua phải trích lại số tiền 20.000 đồng/kg cho họ thì mới được thu mua ốc.
Sau đó, tiếp tục có một chiếc xe tải mang biển số 38C-053.02 của một người tên Thăng (xã Cẩm Lĩnh) chạy ra chắn đường không cho xe chở ốc từ ao sang điểm tập kết, đóng oxy. Việc cản trở này đã làm cho 200 lao động được thuê đến để phân loại ốc phải ngồi chờ đợi.
Sau khi có sự can thiệp, giải quyết của lực lượng Công an xã Cẩm Lĩnh và Công an huyện huyện Cẩm Xuyên thì xe mới đi được.
Mặc dù sự việc gây rối cản trở được giải quyết, song số ốc đã thu hoạch không kịp mang tới điểm tập kết để sục khí nên bị chết khiến cho thương lái thu mua đã trừ của ông Hảo 150 triệu đồng, đến nay vẫn chưa trả cho ông.
Ông Nguyễn Văn Hảo bên số ốc hương bị chết.
Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Hảo cho biết việc bị chặn xe không thể ra được điểm tập kết đã làm cho ốc yếu đi. Một số lượng lớn ốc bị yếu do chậm sục khí bị trả lại được ông Hảo thả lại xuống ao nhưng đều lần lượt bị chết. Đến nay, khoảng 3 tạ ốc hương đã bị chết rải rác. Với giá bán vào thời điểm này khoảng 200 ngàn đồng/kg thì gia đình ông Hảo thiệt hại ban đầu khoảng 60 triệu đồng.
Một hộ dân nuôi ốc hương bức xúc phản ánh: “Nhóm người chặn đường này chỉ có vài người địa phương, còn lại là ở nơi khác đến. Họ đòi thương lái phải trích cho họ mỗi kg ốc là 20.000 đồng. Trên thực tế, nếu thương lái đồng ý trích cho họ số tiền này, hay ít hơn số đó thì cuối cùng thương lái cũng sẽ trừ vào giá thu mua của người nuôi ốc. Mỗi vụ thu hoạch người dân bán hàng chục tấn ốc nên nếu như tình trạng này tiếp diễn thì rõ ràng người nuôi ốc chúng tôi sẽ thiệt hại nặng nề, còn những người ăn chặn kia đúng là “ngồi mát ăn bát vàng”. Chúng tôi rất hoang mang vì hiện nay các hộ đều phải vay ngân hàng để đầu tư với số tiền rất lớn. Thời điểm thu hoạch ốc cũng sắp đến, việc thu mua chỉ có các thương lái trong Khánh Hòa ra. Nếu sự việc trên tiếp tục diễn ra thì thương lái sẽ không dám ra Hà Tĩnh để thu mua nữa, sản phẩm làm ra của chúng tôi sẽ không biết bán cho ai”, các hộ dân viết trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng.
Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, hiện nay những đối tượng chặn đường, đòi tiền người mua ốc vẫn chưa bị xử lý. Người dân mong muốn các cấp chính quyền sẽ có những biện pháp phù hợp để giải quyết tình trạng trên để các hộ dân yên tâm tiếp tục sản xuất khi vụ thu hoạch đang đến gần.
Chính quyền sẵn sàng tổ chức bảo vệ người dân
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: Khi sự việc xảy ra, lực lượng Công an xã Cẩm Lĩnh và Công an huyện Cẩm Xuyên đã có mặt, lập biên bản vụ việc. Vì vậy, nhóm người này vẫn chưa lấy được tiền từ thương lái.
Ông Lam thông tin thêm, xã đã đề nghị người dân khi chuẩn bị thu hoạch ốc hãy báo trước cho chính quyền xã. Các lực lượng của xã sẽ đề nghị, phối hợp với lực lượng cấp trên để đảm bảo an ninh cho việc thu hoạch ốc hương của người dân. Tuy nhiên, xã cũng đề nghị các hộ hãy thu hoạch ốc vào ban ngày để đảm bảo an toàn chứ không nên thu hoạch và bán vào ban đêm. Lý do là vì khi thu mua vào buổi tối sẽ khó đảm bảo an toàn không chỉ ở địa phương, mà còn đề phòng khả năng thương lái bị chặn ở các địa phương ngoài xã Cẩm Lĩnh.
Năm 2018, có 12ha diện tích nuôi trồng ốc hương với trên 30 triệu ốc giống được thả nuôi tại khu vực Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh.
Được biết, khu vực Cồn Vạn, thôn 7, xã Cẩm Lĩnh có diện tích nuôi trồng thủy sản gần 32ha với 17 hộ nuôi trồng. Trong đó, HTX nuôi trồng thủy sản Cẩm Lĩnh có 10 hộ với diện tích gần 12ha. Năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên các hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề. Vì vậy, vào năm 2017, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi đầu tư, đưa ốc hương vào nuôi trên địa bàn với diện tích 10,5ha. Một số hộ nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều hộ cũng bị thua lỗ.
Năm 2018, cả 10 hộ của HTX đều tiếp tục nuôi ốc hương với diện tích 12ha, thả nuôi trên 30 triệu ốc giống, tạo ra việc làm thường xuyên cho 30 lao động, chưa kể lao động thời vụ có ngày lên đến 200 người. Số ốc hương tại xã Cẩm Lĩnh đến nay đã thả được 4 tháng, dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ thu hoạch đồng loạt.