Gần 1 tuần mưa lũ do áp thấp nhiệt đới cũng là chừng ấy thời gian ông Hoàng Văn Huy (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) “đánh vật” với thời tiết để "cứu" 4 hồ tôm.
Nhờ kinh nghiệm nhiều năm theo nghề, khi mưa lớn làm nước tràn hồ, ông Huy đã chủ động cho nhiều thức ăn vào hồ để giữ tôm. Cùng với đó, 24/24h ông chủ động mở cống tháo nước, khơi thông dòng chảy ở khu vực gần hồ nuôi.
Ông Hoàng Văn Huy chia sẻ: “Khó nhất là xử lý môi trường sau mưa lụt để tránh tôm bị sốc nhiệt, dịch bệnh. Cả trong và sau mưa, tôi tăng cường bổ sung khoáng chất cho tôm. Riêng môi trường, để xử lý độc tố, tôi cũng tăng cường bổ sung thảo dược diệt khuẩn SDK”.
Làm tốt công tác bảo vệ, xử lý môi trường ao nuôi trong và sau mưa lũ nên hiện tại, 18 vạn tôm của gia đình ông Huy vẫn khỏe mạnh và dự kiến sau 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
Không may mắn như ông Hoàng Văn Huy, gia đình anh Trần Văn Sơn (xóm Vĩnh Lộc, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) lại chịu thiệt hại nặng nề ở 2 ao nuôi ốc hương do bị ngập. Nhìn công nhân vớt lên từng rổ ốc đã gần đạt trọng lượng xuất bán nhưng bị chết, anh Sơn chua xót: “Nước ngọt từ mưa khiến cho độ mặn trong hồ bị giảm. Bình thường, độ PH đạt 27/1000 nhưng sau mấy ngày bị ngập, độ PH chỉ còn 11/1000.
Để tăng độ PH nhằm cứu ốc hương, hôm trước, tôi đã thức trắng đêm đổ 4 tấn muối vào hồ nhưng độ mặn mới chỉ lên được 1 độ. Sáng hôm sau, kéo ốc lên kiểm tra thì ốc chết hàng loạt”.
Anh Trần Văn Sơn (xã Cẩm Lộc) đau lòng nhìn ốc hương chết sau mưa lũ
Được biết, trong 2 ao nuôi thả 7 triệu con giống ốc hương, gia đình anh Sơn còn thả xen canh nuôi thêm 30 vạn tôm thẻ chân trắng. Mặc dù đã thực hiện mở cống 24/24h nhưng do mưa quá lớn nên nước vẫn bị tràn hồ và một số tôm theo dòng nước ra ngoài.
“Nước tràn vào hồ chủ yếu đổ về từ thượng nguồn, đây là nguồn nước ô nhiễm nên tôm rất dễ chết. Nếu 3 – 4 ngày nữa mà nước thượng nguồn vẫn đổ về thì khả năng tôm chết là rất cao” – anh Trần Văn Sơn cho biết thêm.
Số ốc hương của gia đình anh Trần Văn Sơn sắp đến thời kỳ xuất bán nhưng đã chết do sốc nước ngọt
Hiện nay, hàng trăm hộ nuôi trên địa bàn toàn tỉnh đang tất bật với công tác xử lý môi trường ao nuôi sau mưa lũ. Tại địa bàn huyện Kỳ Anh – nơi có 150 ha của 80 hộ nuôi bị ngập lụt, có khả năng bị chết gần 100%, địa phương đang chỉ đạo các hộ nuôi tiêu úng và huy động các lực lượng vệ sinh khu vực nuôi, củng cố ao hồ.
Ông Lê Văn Trọng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh cho biết: "Số diện tích bị ảnh hưởng mới thả hơn 1 tuần. Sau khi nước rút, phòng đã chỉ đạo các hộ kiểm tra lại ao nuôi. Nếu hồ nào đang còn tôm thì tiếp tục dùng các biện pháp kỹ thuật để xử lý môi trường nước. Với những hồ bị ngập và trôi hết hoặc nước ngọt vào gây sốc nhiệt chết thì phòng chỉ đạo các hộ tiếp tục cải tạo lại ao đầm để nuôi tiếp trong thời gian tới”.
Các hộ nuôi tiến hành chạy quạt nước nhằm hạn chế sự phân tầng nước trong ao nuôi
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua, toàn tỉnh có khoảng hơn 1.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, gây thiệt hại đến hệ thống ao nuôi, làm thất thoát thủy sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường nước.
Một số chủ hồ tôm sử dụng máy sục khí để duy trì môi trường ao nuôi ổn định sau những ngày mưa
Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, để khắc phục hậu quả sau mưa lũ, các hộ nuôi trồng thủy sản cần phải xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần rải vôi bột quanh bờ ao kết hợp bón vôi cho ao để ổn định độ PH; đồng thời bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.