Phát độc, tàn phá
Quý III/2019, Phú Quý có 2 trường hợp bị sao biển gai đâm, dẫn đến hoại tử mô mềm lan rộng và sốc nhiễm trùng. Không đủ trang thiết bị và vượt quá khả năng chuyên môn, Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên. Với ngư dân làm nghề lặn biển không cẩn thận dễ giẫm chân vào sao biển gai hoặc bị gai đâm vào tay khi đang lặn bắt sò, ốc… Một số ngư dân cho biết: “Mỗi gai của sao biển đều tiết độc cực mạnh, gây đau nhức, bưng mủ, làm sốt; đôi khi nôn ói khi chạm vào gai. Nếu không đến bệnh viện điều trị sớm, dễ bị đoạn chi (tháo khớp)”.
Sao biển gai là động vật không xương sống, thích ăn san hô cứng. Thân có nhiều gai tua tủa giống như trái sầu riêng. Mỗi gai dài 5 cm với nhiều màu sắc (xanh, xám, đỏ, nâu..) và đều chứa độc tố. Người dân Phú Quý còn gọi là sầu riêng biển. Thời gian gần đây, mật độ sao biển gai khá dày và phát triển nhanh. Cứ khoảng hơn 40 m2 thì có 10 con sao biển với kích thước loại lớn, ở độ sâu 3 - 10 m tại khu vực rạn san hô Hòn Tranh. Nguy cơ rạn san hô này sẽ còn khung xương trắng, trong thời gian không xa, nếu như cộng đồng không chung tay nhặt bỏ sao biển gai. Đó là thông tin của anh Ngô Minh Tính (xã Tam Thanh), một thợ lặn tự do.
Đội bắt sao biển gai.
Theo Viện Khoa học biển của Úc, hai nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn thất độ che phủ san hô là lốc xoáy nhiệt đới và sao biển gai. Một con sao biển gai có thể ăn hết 1 m2 san hô cứng trong vòng 1 tháng. Sau đợt bùng phát dịch sao biển gai, các rạn san hô thường mất 10 – 20 năm để sinh trưởng phục hồi trở về trạng thái ban đầu. Trong thời gian phục hồi, nếu rạn san hô bị ảnh hưởng lốc xoáy, nguồn nước bị ô nhiễm, sự biến đổi khí hậu… thì càng khó phục hồi hơn trước khi đợt bùng phát dịch kế tiếp xảy ra. Mỗi con sao biển gai giống cái sản sinh khoảng 65 triệu trứng, phát triển thành ấu trùng. Vậy thì, một quần thể sao biển gai có thể sản sinh khối lượng khổng lồ ấu trùng trong một mùa sinh sản. Sự sống sót của ấu trùng tăng lên đáng kể khi nguồn thức ăn - thực vật phù du trở nên phong phú do lũ lụt, gió mùa và lốc xoáy mang đến.
Nguy cơ mất cân bằng sinh thái
Sự tồn tại sao biển gai ở mật độ tối thiểu là điểm lợi, tuy nhiên một khi các rạn san hô có quá nhiều sao biển gai trú sống, thậm chí bùng phát thành dịch, sẽ hủy hoại các rạn san hô. Điều này minh chứng sự mất cân bằng sinh thái trong môi trường biển từ hậu quả đánh bắt nguồn lợi thủy hải sản quá mức. Trong môi trường biển, thiên địch tự nhiên của sao biển gai là ốc tù và ốc hoàng hậu, cá bò… nhưng các loại này giảm rất nhiều. Tại Phú Quý, ốc hoàng hậu với bề mặt vỏ ngoài màu kem, bóng láng, nhiều vân nổi màu nâu vàng nhạt và đậm, đang bị săn lùng ráo riết và gần như bị tận diệt. Bởi đây là món ăn đặc sản của du khách, giá khoảng 350.000 - 400.000 đồng/kg. Sau khi ăn thịt ốc, vỏ ốc được sử dụng làm mặt hàng mỹ nghệ. Nếu trước đây các ngư dân lặn biển chỉ bắt gần bờ, với số lượng ốc này khá nhiều, thì nay họ phải lặn xa bờ mới có ốc hoàng hậu vài mươi con cho một chuyến biển dài ngày.
Bắt sao biển gai.
Để ngăn chặn sự phát triển sao biển gai cũng như bảo vệ rạn san hô, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học biển của Úc thả ốc tù và vào rạn san hô. Bên cạnh đó, đội thợ lặn bắt từng con sao biển gai và tiêm một liều giấm gia dụng để tiêu diệt. Theo anh Tính, vài tháng gần đây, số lượng sao biển gai tại khu vực Hòn Tranh tăng đột biến kéo theo rạn san hô bị phá hủy. Nhằm góp phần bảo vệ rạn san hô, hồi đầu tháng 10/2019, anh kêu gọi một số người dân cùng xã và những bạn lặn tự do (15 người) thu bắt được hơn 300 con “sầu riêng biển” và mang vào bờ phơi khô, dùng xăng đốt cháy. Tránh bị gai đâm trong quá trình thu nhặt, dùng cây chĩa, kẹp gắp để bắt bỏ vào khay nhựa, giỏ nhựa, không dùng túi lưới để đựng.