Lái xe được xác định là Nguyễn Văn Thông, 38 tuổi, trú tại thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội.
Hiện toàn bộ tang vật đã được bàn giao cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý.
Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng Quảng Ninh liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu hàng thủy sản nói chung và cá tầm nói riêng có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ.
Các lô hàng chủ yếu được nhập lậu từ các cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) và cửa khẩu Móng Cái. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng vận chuyển đều không đưa ra được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng 7/2013, hệ thống siêu thị Metro tại Hà Nội cũng phải đối mặt với cáo buộc bán cá tầm Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam cho biết: "tại các chợ thực phẩm lớn, siêu thị và ngay cả hệ thống phân phối Metro tại miền Bắc phần lớn bán cá tầm nhập lậu".
Theo ông Đức, Metro ở khu vực phía bắc nhập khoảng 50 - 70 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, toàn khu vực miền Bắc sản lượng nuôi không quá 30 - 40 tấn. Vị doanh nhân này cũng nói rằng cá tầm tại Metro có thể có giấy tờ xuất xứ từ Lào Cai, nhưng các trang trại ở đây không hề nuôi.
Phát hiện mẫu cá tầm nhiễm chất cấm
Ngày 8/7, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (Bộ NNPTNT) đã chính thức công bố kết quả kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cá tầm, cá quả, cá trê.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng cho biết đã phát hiện 4 mẫu trong đó 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm chất kháng sinh cấm Leuco Malachite và 2 mẫu cá quả nhiễm hoá chất, kháng sinh cấp AOZ.
Với tỷ lệ 4/30 mẫu nhiễm chất cấm, tương đương với tỷ lệ nhiễm trên 10%, tức là tỷ lệ mẫu nhiễm cũng ở mức cao. Chất Leuco Malchite được sử dụng để diệt vi khuẩn và nấm ngoài da của thuỷ sản, còn chất AOZ được sử dụng để chữa các bệnh đối với thuỷ sản.
Trước năm 2007, các chất này vẫn được nhiều nước sử dụng nhưng qua nghiên cứu các nước đã đưa ra kết luận, các chất này nếu ăn nhiều có thể bị tồn dư trong gan, thận, gây ra các bệnh nan y và có nguy cơ gây nhờn thuốc Tây y nên thế giới đã cấm sử dụng các chất này và Việt Nam chính thức cấm từ năm 2007.