Hành trình 20 năm của người làm nghề "săn cá chình"

Có lẽ nghề săn cá chình thu nhập bấp bênh nên số người gắn bó với nghề ở Quảng Trị chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, dù thượng nguồn vẫn còn vô số bí ẩn và giá cả vẫn đầy hấp dẫn.

Cá chình.
Cá chình nặng gần 1 kg, bắt được trên thượng nguồn suối ở Đakrông.

Anh Hồ Lữ (49 tuổi; dân tộc Vân Kiều; ngụ xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là người có thâm niên trong việc săn bắt cá chình. Gần 20 năm gắn với nghề này nên hầu như mọi khe suối, thác ghềnh trên địa bàn đều có dấu chân anh.

Chỉ có một cách là lặn

Ở miền rừng Đakrông này, Hồ Lữ được đánh giá là một trong những người thành thạo nhất trong nghề săn cá chình suối. Dù thả câu hay lặn xuống hang dùng nỏ bắn, anh đều sành sỏi.

Một chiều đầu hạ, tôi được Hồ Lữ đồng ý cho theo anh ngược thượng nguồn khe Chua (xã Đakrông) để săn cá chình. Anh mang balô trên vai. Trong balô là dao quắm, đèn pin, cuộn dây câu, bao ni-lông đựng cá và một chiếc nỏ bắn mũi tên sắt.

Cá chình
Cá chình sau khi săn bắt được rao bán ngay bên Quốc lộ 9.

Sau khi cuốc bộ chừng hơn 5km, chúng tôi bắt đầu tiếp cận thượng nguồn. Đang vào mùa khô nên mực nước ở khe Chua đã hạ bớt. Có chỗ chỉ còn là hố, vũng lấp xấp nước nhưng có nơi nước vẫn sâu đến vài mét. Hồ Lữ bảo mùa này cá chình rời chỗ cạn, tìm nơi nước sâu để sống. Vì thế, cứ nhắm những thác nước sâu mà tìm hang, thả câu.

Theo kinh nghiệm của anh, để biết hang đá có cá chình trú ngụ hay không, chỉ có một cách là lặn xuống và dùng đèn pin soi. "Nếu có cá chình sống thì cửa hang sẽ trơn láng, không có rong rêu, bùn đọng. Có hang rọi đèn pin vào thấy ngay cá chình nhưng cũng có hang quá sâu nhìn không thấy gì" - anh nói.

săn cá chình
Thượng nguồn khe suối ở miền rừng Đakrông cheo leo, hiểm trở.

Dứt lời, anh cởi áo, cầm đèn pin nhảy ùm xuống một vực nước sâu dưới chân thác. Sau nhiều lần ngụp lặn, Hồ Lữ xác định được một số hang đá có cá chình trú ngụ. Theo anh, phần lớn mỗi hang chỉ có một con cá chình, hiếm lắm mới vài con chung sống trong một hang. Loại mồi mà cá chình thích nhất là rết, tôm, ếch, nhái. Chẳng thế mà dọc đường đi, cứ thấy thân gỗ mục nào là Hồ Lữ lật ngửa, tóm những con rết đang ẩn mình bên trong.

Sau khi xác định được hang có cá chình sinh sống, Hồ Lữ mở balô lấy ra cuộn dây câu. Mỗi chiếc lưỡi câu được buộc chắc chắn bằng 2 sợi dây cước dài. Anh cẩn thận tóm lấy một con rết, móc lưỡi câu từ đuôi đến thân để làm mồi dụ cá. Mồi được anh thả lấp xấp trên mặt nước, dây cước thì buộc cố định vào thân cây hoặc những hòn đá lớn.

săn cá chình
Anh Hồ Lữ, người có thâm niên trong việc săn bắt cá chình nơi miền rừng Đakrông.

Lắm khi tay trắng

"Cá chình sống ở dưới hang nhưng khi đi tìm mồi, chúng lại bơi loằng ngoằng trên mặt nước y như con rắn. Vì vậy, phải đặt mồi ngay trên mặt nước. Ở khe suối, nếu mình thả mồi ở tầng đáy thì con cua đá sẽ ăn hết. Thả mồi ở tầng đáy chỉ áp dụng ở sông hồ vào mùa nước lũ" - anh lý giải, rồi cứ thế thả câu hết hố vũng đến thác nước khác cho đến chiều muộn mới chịu quay về nhà.

Theo anh, vào ban đêm, cá chình mới rời hang đi tìm mồi nên người đi săn thường thăm câu lúc rạng sáng. Mùa rét, cá chình hung dữ, dễ mắc câu hơn mùa khô.

Ngày hôm sau, chúng tôi quay lại thăm câu. Kết quả bắt được một con cá chình nặng chừng 1 kg. Một số dây câu bị cá kéo đứt. Trở về nhà, Hồ Lữ dặn dò, giao cá chình săn được cho đứa con trai chừng 10 tuổi mang ra bán bên Quốc lộ 9.

"Hiện nay, cá chình được bán với giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Cá chình càng to bán càng được giá nhưng với điều kiện phải còn sống. Nhiều lúc tôi bắt được cá chình nặng vài ký lô, bán mua gạo ăn được vài ba tháng. Nhưng cũng lắm khi cá không dính câu, phải về tay trắng" - Hồ Lữ trải lòng.

Có lẽ nghề "săn của trời" này bấp bênh nên hiện nay số người gắn bó với nghề săn bắt cá chình ở Quảng Trị chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Dù rằng nơi thượng nguồn khe suối miền rừng này vẫn còn vô số bí ẩn và giá cả cá chình suối trên thị trường vẫn đầy hấp dẫn.

Cá chình suối ở Quảng Trị ngon, bổ dưỡng nên xưa nay người ta ví von "trên trời con vạc, dưới nước con chình". Đối với những người sống ở miền núi, cá chình suối nhiều nên nhìn quen mắt, chứ như quê tôi là vùng chiêm trũng hạ nguồn nên hiếm khi thấy.

Thi thoảng vào mùa lũ, cá chình từ thượng nguồn bị dòng nước bạc cuốn về trong các hói, kênh, bàu. Có con nặng gần chục ký lô, thân béo núc, đen trũi. Người dân ở quê lần đầu nhìn thấy thì trố mắt, cứ nghĩ là "ông", là "bà". Vì thế, có khi họ chẳng dám bắt giữ hay giết thịt.

Ở tỉnh Quảng Trị, huyện miền núi Đakrông được ví như "thủ phủ" của cá chình vì ở đây có vô vàn khe suối, thác ghềnh hiểm trở. Dường như hầu hết địa bàn các xã, thị trấn ở miền rừng này đều có cá chình sinh sống. Người dân bản địa vẫn thường mang loại cá đặc sản này ra bán ở vỉa đường, đoạn Quốc lộ 9 chạy ngang qua hay dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện miền núi này.

Người ngồi bán đa phần là trẻ con. Trước lúc lên nương, bố mẹ chúng đã giao nhiệm vụ túc trực, báo giá cho khách qua đường. Những đứa trẻ miền rừng này không biết nói dối nên mới có chuyện khách kỳ kèo bớt dăm ba chục hay cao hứng tăng giá thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Khi bị vặn hỏi, những đứa trẻ lại tròn xoe mắt nói rằng bố mẹ đã dặn bán với giá chừng đó nên không bớt, không tăng.

Hôm nay bán không được thì ngày mai lại mang ra đường bán và vẫn không bớt, không tăng. Tất nhiên, bọn trẻ vẫn biết cách để giữ cá chình sống khỏe mạnh.

lưới bắt cá
Chuẩn bị lưới săn bắt cá chình.

Phải có nhiều "ngón nghề"

Một thời, trên các khe suối ở huyện miền núi Đakrông, cá chình nhiều vô kể. Nhưng trước lối đánh bắt tiêu cực như xung điện, thuốc nổ cùng với việc thủy điện ngăn sông, chặn suối khiến loài cá này trong tự nhiên ít dần. Nay chúng bị "đuổi" dần lên tít thượng nguồn, nơi thác ghềnh hiểm trở, ít người tới lui.

Khe A-Nghi, khe Chua (xã Đakrông), khe A-Chon, Pặt-Nê, Pa-Nên (xã Húc Nghì), khe A Tang (xã A Vao)... là những nơi mà cánh thợ săn chình thường lui tới vì đều rất hiểm trở với vô số hang đá, hố vũng sâu hoắm và tất nhiên nguồn nước chưa bị tác động bởi những kẻ đãi vàng. Với môi trường sống như thế, lũ cá chình nghiễm nhiên sống tốt và đẻ con đàn cháu đống. Muốn bắt được chúng ở những khe suối này không dễ, người săn buộc phải có nhiều "ngón nghề".

Hôm tôi đi thăm câu cùng Hồ Lữ, nhóm bạn anh kể đối với những thác nước sâu, cho dù từng xảy ra các vụ lén lút quăng thuốc nổ hay dùng xung điện cũng khó bắt hết cá chình. Nhưng cánh thợ săn sẽ dùng một loại rễ cây để khiến cá chình phải lao ra khỏi hang, thậm chí là trườn ngay lên bờ.

Đó là rễ cây rân rượu. Loài cây này lá tựa cây trầm dó, thuộc họ dây leo, thân chỉ nhỉnh hơn cán rựa một chút. Rễ rân rượu sau khi lấy được đem giã nát, ủ trong bao gai một hôm. Quá trình giã rễ phải che kín mặt, tay chân, nếu không sẽ bị sưng tấy, bỏng ngứa. Rễ rân rượu chỉ cần đặt xuống khe suối tầm 1 giờ sẽ khiến nước đục ngầu. Không loài thủy sản nào có thể chịu nổi chất độc phát ra từ rễ cây này nên chúng sẽ lả người trên mặt nước và chết ngay sau đó. Ngay cả loài cừ khôi như cá chình, khi gặp rễ rân rượu cũng phải ra khỏi hang, lao lên bờ.

Chưa nghe ai nói ăn cá dính rễ cây rân rượu sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, cách làm này khiến thủy sản bị tận diệt nên nhiều bản làng ở miền núi Quảng Trị cấm đoán như một thứ hương ước. Họ xử phạt nghiêm khắc theo luật làng nếu phát hiện người sử dụng rễ cây này đánh bắt cá.

Theo Hồ Lữ, cá dính độc từ rễ rân rượu chỉ cần nhìn vào thân, mắt của nó là biết ngay. "Đôi mắt của cá sẽ có màu trắng bạch, toàn thân khô ráp, không còn nhầy nhớt trên mình. Những thác nước từng bị ngâm rễ rân rượu sẽ không có cá chình sinh sống trong một thời gian dài" - anh khẳng định. 

Hiểm nguy rình rập
Cá chình sống ở thượng nguồn khe suối nên người đi săn thường đi dài ngày. Ban đêm, họ dựng lán và đốt lửa ngủ ngay bên khe suối. Anh Hồ Lữ nói dọc hai bên khe suối có rất nhiều rắn rít sinh sống, quá trình di chuyển nếu bất cẩn sẽ bị chúng cắn ngay. Anh ám ảnh nhất vẫn là những trận lũ từ trên ngàn bất ngờ đổ về. "Có hôm đang say giấc thì mưa rừng kéo tới và chỉ sau vài giờ, lũ trên thượng nguồn đã ầm ầm đổ về. Trong đêm, mải lo chạy thoát thân nên mọi đồ đạc mang theo đều bị lũ cuốn trôi. Những lần như thế, dù tay trắng nhưng giữ được mạng để về với vợ con là mừng rồi" - anh bộc bạch.
Xem thêm các thông tin về cá chình... Tại đây
Người lao động
Đăng ngày 29/06/2021
Bùi Đức Nghĩa
Đánh bắt

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 10:17 25/11/2024

Đồng Nai kiên quyết dẹp ngư cụ cấm và đánh bắt tự diệt

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm dẹp bỏ ngư cụ cấm và các hình thức đánh bắt kiểu “tự diệt”.

Người dân
• 09:34 01/11/2024

“Lộc trời” sau bão Trà Mi: Người dân Đà Nẵng đón nhận món quà từ biển

Bão Trà Mi qua đi đã để lại những “món quà” bất ngờ cho người dân Đà Nẵng, khi dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành được phủ kín bởi vẹm xanh, sò huyết, chíp chíp, và nhiều loại hải sản khác.

Vẹm xanh
• 10:33 31/10/2024

Người dân thất thoát trước quy định mới về đánh bắt cá ngừ

Nhiều ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn trước các quy định mới về kích thước tối thiểu khi khai thác cá ngừ vằn. Cụ thể, theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cá ngừ vằn chỉ được phép khai thác nếu đạt chiều dài từ 50cm trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhưng lại gây thiệt hại lớn cho ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cá ngừ
• 14:13 22/10/2024

Chính thức mở bán: "Thực hành Chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản"

Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang cần giải pháp thực tế để vượt qua thách thức cần đối mặt để đạt được sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lúc này.

Sách Thực hành chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản
• 16:11 25/11/2024

Hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là một vấn đề quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Kháng sinh
• 16:11 25/11/2024

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 16:11 25/11/2024

Tạo rào cản cho vi khuẩn hạn chế xâm nhập vào tôm

Một trong những thách thức lớn nhất mà người nuôi phải đối mặt là các bệnh do vi khuẩn gây ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của tôm.

Tôm thẻ
• 16:11 25/11/2024

Xuất khẩu một tháng trở lại tỷ đô sau 27 tháng

Tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần đầu tiên sau 27 tháng kể từ tháng 6/2022 đã trở lại mức tỷ đô một tháng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái với các mặt hàng chủ lực và các thị trường chính đều tăng.

Tôm thẻ
• 16:11 25/11/2024
Some text some message..