* Khơi dậy tiềm năng kinh tế vùng ngập mặn
Là tỉnh thuộc vùng ven biển, nên Trà Vinh được thiên nhiên ưu đãi và có lợi thế về khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Nếu so sánh với các tỉnh thuộc vùng ven biển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản chỉ đứng sau Cà Mau. Chính lợi thế đó, ngay sau khi tái lập tỉnh, tiềm năng kinh tế vùng ngập mặn đã nhanh chóng được quy hoạch khai thác, trong đó nghề nuôi tôm sú được xem là mũi nhọn để tập trung phát triển.
Có lẽ đối với người dân nuôi tôm sú thuộc các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành mới cảm nhận rõ nhất về những nỗ lực của tỉnh trong công việc đầu tư về vật lực, nhân lực… để khơi dậy tiềm năng kinh tế vùng ngập mặn cho nghề nuôi tôm sú không ngừng phát triển qua từng năm. Cụ thể là nhiều năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (ngành NN&PTNT) không ngừng tăng cường công tác quản lý và đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cánh đồng Tây (huyện Cầu Ngang); hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Đồng Đon (liên huyện Cầu Ngang - Duyên Hải); hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Tầm Vu Lộ (huyện Cầu Ngang); sản xuất giống; xây dựng hệ thống sản xuất, kiểm tra chất lượng con giống sạch bệnh và chủ động kiểm soát dịch bệnh. Nhờ đó, diện tích nuôi thuỷ sản của tỉnh từ vài ngàn ha ở thập niên 1990, đến năm 2005 đã tăng lên 10.000ha và năm 2012 là 25.000ha. Không chỉ tăng về diện tích mà còn tăng về hình thức thả nuôi tôm sú công nghiệp, chiếm đến gần 38% trong tổng số diện tích nuôi tôm hàng năm. Mô hình nuôi tôm sú công nghiệp là sự minh chứng thực tế nhất về bước phát triển trình độ khoa học kỹ thuật của người dân. Năng suất nuôi tôm công nghiệp đạt bình quân đến 5 tấn/ha; lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với cách nuôi tôm quảng canh. Không chỉ có thế, người dân vùng ngập mặn còn biết đưa con tôm sú vào đất lúa bị nhiễm phèn mặn qua mô hình luân canh 01 vụ lúa + 01 vụ tôm để tăng lợi nhuận kinh tế trên cùng một diện tích.
Nghĩ đúng và mạnh dạn đầu tư phát triển cho bài toán kinh tế về khai thác tiềm năng vùng ngập mặn: Tăng về diện tích, nâng cao về trình độ khoa học kỹ thuật,... nên nghề nuôi sú có tỷ lệ thuận là sản lượng tăng nhanh từ vài ngàn tấn tôm ở những năm 1993-1994, đến năm 2011 đạt trên 20.000tấn. Không dừng lại ở hiện tại, tiềm năng kinh tế vùng mặn trong nghề nuôi tôm sú còn được ngành NN& PTNT tỉnh dự báo đến năm 2015 diện tích nuôi tôm sẽ tăng lên 30.400ha, sản lượng 24.000 tấn.
* Những bước đi thăng trầm của nghề nuôi tôm sú
Theo các hộ nuôi tôm sú, nhìn một cách tổng thể cứ 02 năm thành công thì có 01 năm rủi ro. “Điệp khúc” ấy làm cho nghề nuôi tôm sú luôn thăng trầm và nguyên nhân của nó do khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể, biến đổi khí hậu làm cho môi trường nuôi luôn biến động; nhiều người nuôi tôm sú vì sức hấp dẫn của lợi nhuận đã “chạy trước” qui hoạch của ngành chuyên môn. Kết quả kéo theo nhiều hệ lụy về dịch bệnh xuất hiện và bùng phát, ô nhiễm môi trường, tồn dư hóa chất trong ao hồ, kênh rạch… Có một thời, tại các huyện ven biển nhờ con tôm sú đã xuất hiện những khu “phố tôm”, làng tôm cùng với hàng ngàn tỷ phú từ sự “ăn nên, làm ra” của nghề nuôi tôm sú. Điển hình như vùng quê cánh đồng Tây vốn từ một vùng đất “đồng mặn, phèn chua”, bao đời nay người dân nơi đây chỉ loay quay với cây lúa. Nhưng từ khi mô hình HTX nuôi tôm công nghiệp Thắng Lợi thành lập và đi vào sản xuất, đã làm chuyển biến tích cực vùng đất này. Và chỉ 02 năm sau, mô hình nuôi tôm công nghiệp đã có sức lan tỏa ra cả vùng cánh đồng Tây. Ngày nay, với trên 900ha ở đây đã phủ đầy những cánh đồng tôm, đã mở ra một hướng đi mới cho con tôm sú tại các vùng ngập mặn của huyện Cầu Ngang.
Về tình hình dịch bệnh trên tôm, nếu như những năm 1990, 2000 chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng, đến năm 2010, người nuôi tôm lại tiếp tục “đón nhận” nhiều bệnh khác xuất hiện như bệnh hoại tử gan tụy, cùng với môi trường bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển thành dịch gây thiệt hại trên diện rộng. Từ những thực trạng như môi trường nuôi ngày càng xấu đi do thâm canh hóa và mở rộng diện tích, người nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến còn hạn chế trong khâu cải tạo ao, chọn giống nên dễ gây thiệt hại, ý thức cộng đồng chưa cao do đó dịch bệnh có thể xảy ra và lây lan trên diện rộng. Song song đó là công tác quản lý chất lượng giống, đặc biệt là giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng còn gặp nhiều khó khăn do ý thức của các cơ sở sản xuất, cung ứng và ý thức của các hộ nuôi thủy sản chưa cao, trong khi đó lực lượng chuyên ngành còn mỏng. Với những hệ lụy trên, chỉ tính riêng năm 2012, dịch bệnh đã làm cho 7.700 hộ nuôi tôm bị thiệt hại, với diện tích 4.310 ha được nhà nước hỗ trợ để tái sản xuất và làm giảm sản lượng tôm thương phẩm trên 11.000 tấn (thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng).
* Cần có những giải pháp hữu hiệu để con tôm sú “xuất ngoại” bền vững.
Theo hoạch định của tỉnh về phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản đến năm 2015, Trà Vinh phấn đấu đạt tổng sản lượng trên 261.000 tấn (39.800 tấn tôm). Thực tế đây là mục tiêu không quá xa so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn lại “hành trình” của nghề nuôi tôm sú đã qua, để thuận lợi đạt được mục tiêu này cần có những những giải pháp đồng bộ, từ sản xuất cung ứng giống đến chế biến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo VSATTP, từng bước xây dựng thương hiệu, đầu tư thiết bị công nghệ … đến ý thức trách nhiệm cộng đồng của người dân. Từ thực tế trên, trong năm 2012 và 2013 lãnh đạo UBND tỉnh cũng như ngành nông nghiệp phối hợp với các viện, trường trong việc xây dựng hướng đến mô hình nuôi bền vững cho con tôm sú, cùng với đó là việc đa dạng các loại con nuôi; trong đó, tập trung chú trọng các giải pháp như rà soát lại diện tích nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh. Quy hoạch và đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng, sạch bệnh. Đổi mới thiết bị và công nghệ cho các cơ sở chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng số lượng các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU và thị trường khó tính khác.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp kết hợp với Phân Viện quy hoạch thủy sản phía Nam lập Quy hoạch phát triển thủy sản và Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình liên kết “4 nhà” trong nuôi thủy sản, trong đó tăng cường liên kết giữa người nuôi với người chế biến, nâng cao trách nhiệm của nhà quản lý và cơ quan nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ. Tăng cường công tác khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý và tạo cơ chế chính sách để hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nuôi thủy sản; có chính sách hỗ trợ cho phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng cường các hoạt động tìm kiếm đầu tư, phối hợp các Viện, Trường, các Nhà khoa học chuyên ngành trong xây dựng quy hoạch, tập trung thực hiện các dự án phát triển vùng nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất theo hướng GAP, Global GAP…