Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các hình thức khai thác bị cấm mang tính chất hủy diệt như xung điện, thuốc nổ, hoá chất độc hại trong việc khai thác thủy sản. Kiên quyết tháo dỡ đăng đáy, chà nò vó cá, dớn và các công cụ có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản trên các tuyến sông, kênh, rạch, kể cả trên đồng ruộng.
Các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản trong tự nhiên. Đặc biệt, nghiêm cấm tuyệt đối người dân khai thác, đánh bắt cá non (cá nhỏ); các hình thức đánh bắt mang tính tận diệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
Lãnh đạo các địa phương cần quản lý chặt chẽ địa bàn của mình, trực tiếp chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Đặc biệt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong công tác quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Địa phương nào còn sai phạm, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo ngành chuyên môn, hiện nay vào đầu mùa mưa cũng là mùa sinh sản của các loài thủy sản tự nhiên. Trong đó có một số loại đứng trước nguy cơ mai một, tuyệt chủng như cá sặc rằn, sặc bướm, cá dầy, thát lát đồng, rô đồng,…rất cần được bảo vệ, tái sinh sản. Nguyên nhân các loại thủy sản này ngày một cạn kiệt là do tình trạng khai thác, đánh bắt tràn lan, mang tính tận diệt. Nếu như trước đây người dân vùng này khai thác, đánh bắt cá theo mùa, lựa cá to thu hoạch thì nay họ đánh bắt quanh năm, khai thác cả cá lớn lẫn cá bé. Không những thế, gần đây trên địa bàn xuất hiện tình trạng đánh bắt cá mang tính tận diệt bằng cách dùng xung điện, bình ắc quy, dùng kích thước mắt lưới nhỏ bắt sạch cá lớn bé, làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
Hơn nữa, do tác động nền nông nghiệp hiện đại hóa, dùng cơ giới trong sản xuất, gieo cấy 3 vụ/năm, sử dụng nhiều thuốc hóa học trên đồng ruộng, nguồn nước ô nhiễm…đã lấn át môi trường sống của các loại thủy sản dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh phong trào thả con giống, các loài thủy sản xuống kênh rạch, ao hồ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các lưu vực sông trên toàn địa bàn./.