Chất lượng tôm giống là yếu tố tiên quyết cho một vụ nuôi thành công, vì vậy Tép Bạc đã tổng hợp các vấn đề trong tôm giống nói chung và tôm sú nói riêng để giúp người nuôi có cái nhìn bao quát hơn, từ đó tăng thêm tỉ lệ thành công của vụ nuôi.
Vấn đề lựa chọn giống tốt và kỹ thuật thả giống vốn đã quen thuộc với những hộ nuôi tôm nhưng một số khía cạnh thường bị bỏ qua dẫn đến năng suất chưa cao. Những thông tin dưới đây cung cấp thêm kinh nghiệm lựa chọn giống và kỹ thuật thả để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tiêu chuẩn chọn tôm sú giống
Tôm giống tốt là yếu tố rất quan trọng để đạt năng suất cao trong khi nuôi và phòng tránh được các loại bệnh gây ra cho tôm.
Khi mua tôm giống, cần lựa chọn con giống đồng đều, cùng kích cỡ, khoảng 12mm. Tôm sú có 6 đốt ở bụng, các đốt này càng dài càng tốt và tôm sẽ lớn nhanh. Tôm có đuôi, râu hình dáng chữ V và góc hai râu sát nhau như góc chữ V là tôm khoẻ. Các chân ở phần đuôi gọi là chân đuôi hay đuôi, khi bơi xoè rộng, khoảng cách giữa 4 chân ở phần đuôi càng xa càng tốt... Cơ thịt bụng tôm co đều đặn, căng bóng mới tạo được dáng vẻ đẹp cho tôm.
Không có vật lạ như nấm, vi khuẩn, hay nguyên sinh động vật bám ở chân, bụng, đuôi, vỏ và mang tôm. Những vật lạ này sẽ làm tôm bị ngạt và không lột xác được. Màu sắc tôm tươi sáng, vỏ mỏng, có màu tro đen đến đen, đầu thân cân đối là con giống tốt.
Tôm bơi ngược dòng rất khoẻ khi đảo nước trong chậu hoặc bám chắc khi bị dòng nước cuốn đi. Nếu có 10 trong số 200 con thả mà trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm xấu. Tôm phàm ăn, ăn tạp, chân ngực bắt giữ mồi tốt là con giống tốt. Tôm có khả năng chịu đựng tốt khi dùng formol. Số tôm bị chết ít (5/150 con) khi dùng formol 1cc/10 lít nước, đó là giống tốt.
Sau khi chọn lựa tôm giống theo các tiêu chuẩn trên, trước khi thả tôm vào ao, phải tắm vô trùng cho tôm rồi thả tôm giống vào ao hoặc ương tiếp 15- 20 ngày, sau đó tuyển chọn tiếp lần nữa mới thả nuôi sẽ đảm bảo hơn.
Tuyển chọn lại những con tôm khoẻ, xoè đuôi ra hết cỡ khi bơi. Những con thích bơi ngược dòng nước thả vào ao là tốt nhất. Mật độ thả trung bình 5- 7con/m2 với nuôi quảng canh và 30 - 50 con nếu nuôi thâm canh.
Kỹ thuật thả tôm giống
Kỹ thuật thả tôm giống rất quan trọng đến sự thích nghi và sức khỏe của tôm sau khi được chuyển từ môi trường này đến môi trường khác.
Mật độ: Nếu diện tích ruộng nuôi từ 0,5-1,0ha thì thả 3-4 con/m2. Diện tích nhỏ hơn 0,5ha thì thả 5-10 con/m2.
Phương pháp thả giống: Thả giống đúng kỹ thuật sẽ góp phần tăng tỷ lệ sống của đàn tôm. Nên thả tôm vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Không nên thả tôm vào lúc trời mưa hay trong điều kiện môi trường ao nuôi chưa thích hợp. Thả tôm vào đầu hướng gió để tôm dễ phân tán khắp ao.
Có 2 cách thả tôm tốt như sau:
Cách 1: Các bọc tôm mới chuyển về được thả trên mặt ao trong khoảng 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bọc, sau đó mở bọc cho tôm bơi ra từ từ. Phương pháp này áp dụng cho trường hợp độ mặn của nước trong và ngoài bọc tôm chênh lệch nhau không quá 5‰. Cần làm cầu gần mặt nước để có thể mở bọc thả tôm dễ dàng, tránh lội xuống làm đục nước ao.
Cách 2: Thường áp dụng cho trường hợp độ mặn của nước trong bọc tôm và độ mặn của nước ao chênh lệch quá 5‰. Tôm mới chuyển về cần một thời gian thuần hóa ngay tại ao để tôm thích nghi dần với độ mặn của nước ao và các yếu tố môi trường khác.
Cần chuẩn bị một số thau lớn dung tích khoảng 20 lít và máy sục khí. Đổ các bọc tôm vào thau, khoảng 10.000 con/thau và sục khí. Cho thêm nước ao vào thau từ từ để tôm thích nghi dần. Sau 10 - 15 phút nghiêng thau cho tôm bơi ra từ từ. Có thể ước lượng tỷ lệ sống của đàn tôm bằng cách dùng lưới vào diện tích 2-3m2 và sâu 1m đặt ngay trong ao, thả vào lưới 1.000 - 2.000 tôm bột, cho tôm ăn bình thường. Sau 3-5 ngày kéo lưới vèo lên đếm và xác định tỷ lệ tôm còn lại.
Một số dấu hiệu cho thấy tôm khỏe và thích nghi với môi trường ao nuôi là không có tôm chết khi thuần trong thau, tôm bơi lội linh hoạt, bám thành thau. Tôm sau khi thả xuống ao thì bơi chìm xuống đáy ao, không bám theo mí nước, không nổi trên mặt nước.
Kinh nghiệm chọn và thả tôm giống
1. Đánh giá tôm giống
Đánh giá bằng cảm quan
Quan sát bầy tôm giống để xem tôm có khỏe hay không. Vì sức khỏe của con tôm có thể biểu hiện bên ngoài qua hoạt động, hình dạng, màu sắc. Một bầy tôm giống khỏe thì phải đồng màu, đồng cỡ, không dị dạng. Đầu tôm không bị cụt, hoặc là quẹo cong qua một bên (thường gọi là bị “te đầu”). Con tôm giống tốt phải có râu khép, đuôi xòe (giai đoạn P12, P13).
Để kiểm tra hoạt động của tôm, có thể bỏ tôm vào trong thau khi tôm phân bố đều, gõ nhẹ vào thành thau, nếu thấy tôm búng lên rất nhanh và khi quay nhẹ dòng nước tôm có khuynh hướng bơi ngược dòng hoặc quay đầu lại tức là tôm khỏe. Quan sát khả năng bắt mồi của con tôm bằng cách dùng một cái ly thủy tinh, múc tôm lên quan sát ra phía ngoài ánh sáng, nếu thấy ruột của tôm có thức ăn liên tục thì đó là tôm khỏe, nếu ruột tôm trống rỗng hoặc bị đứt khúc tức là tôm đã bắt mồi kém hoặc thiếu thức ăn và như thế tôm giống không được tốt.
Đánh giá sức khỏe bên trong
Có thể đánh giá gián tiếp sức khỏe của tôm giống thông qua kỹ thuật gây sốc bằng hóa chất thông thường là Formaldehyd (hay formol) nồng độ 200ppm (200 phần triệu) trong vòng nửa giờ. Dùng đựng 10 lít nước pha vào 2cc formol, sau đó thả vào khoảng 100-200 con tôm giống. Nửa giờ sau đếm số tôm chết lắng ở dưới đáy xô, nếu số tôm chết không quá 5% số tôm thả vào thì bầy tôm đó đạt yêu cầu.
Nếu thực hiện được 2 khâu nêu trên thì có thể yên tâm về chất lượng tôm giống mang đi thả nuôi. Tuy nhiên, để cho chính xác hơn trong một số mô hình nuôi có đầu tư cao như mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh thì bà con nên tiến hành thêm một bước kiểm tra theo kỹ thuật PCR.
2. Lưu ý khi vận chuyển tôm giống đi xa
Mật độ tôm giống vừa phải, thường khoảng 1.000 con tôm/1lít nước.
Nhiệt độ vận chuyển khoảng 20 –22⁰C, không nên vận chuyển lúc trời nóng vì sẽ làm tôm bị hao hụt và yếu đi.
Thời gian vận chuyển tốt nhất trong vòng 5 tiếng đồng hồ, nếu vận chuyển đi xa có xe bảo ôn bảo đảm được nhiệt độ thì thời gian vận chuyển tối đa khoảng 18 tiếng đồng hồ.
Trước khi thả tôm xuống ao nuôi, chúng ta cần kiểm tra độ mặn và nhiệt độ của nước mà chúng ta vận chuyển tôm giống và nước ao nuôi. Nếu độ mặn chênh lệch không quá 3‰ thì có thể tiến hành thả tôm nhưng phải cân bằng nhiệt độ. Nếu độ mặn hơn 3‰, phải cân bằng cách lấy nước ở dưới ao nuôi tôm cho chảy từ từ vào cái xô hay cái thau đựng tôm giống với tốc độ làm sao hạ độ mặn xuống khoảng 1 -2‰ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Sau khi trung hòa được độ mặn giữa bên trong xô và bên ngoài ao chúng ta có thể tiến hành thả tôm.
Để cho tôm quen với môi trường nước ao, nên đặt thau dưới ao cho nước vào từ từ để cân bằng nhiệt. Nếu tôm ở trong bao thì nên để bao tôm trên mặt nước khoảng 15 phút cho nhiệt độ nước bên trong và bên ngoài bằng nhau sau đó chúng ta sẽ thả.
Ngoài chất lượng tôm giống tốt và vận chuyển thuần hóa đúng kỹ thuật, để có tỷ lệ tôm sống cao đòi hỏi ao nuôi phải được cải tạo thật kỹ, sạch và nước ao phải được gây màu đầy đủ khoảng 30-35cm.