Mặc dù biển động nhưng ông Võ Châu vẫn không nghỉ ngơi. Nhiều lần tôi đến tìm gặp ông thì bà con hàng xóm bảo ông ấy đi làm suốt ngày, tối mới về. Mãi đến lần thứ ba, tôi mới gặp được ông trong lúc đang xây nhà cho một hộ dân trong xóm.
Ông Châu bảo: “Đánh cá biển mới là nghề chính. Mấy ngày nay biển động không thể ra khơi. Ngồi ở nhà mãi cũng buồn nên đi phụ thợ xây nhà để kiếm thu nhập chi tiêu hằng ngày”.
Tôi hỏi, vì sao không ở Canada mà lại hồi hương làm nghề biển? Ông Châu cười: “Ở quê hương sướng hơn. Nghề biển dù chi cũng gắn bó với tui từ nhỏ, tuy vất vả nhưng đã “quen hơi”. Hơn 10 năm xa quê tui nhớ biển quá”.
Sau một thời gian bôn ba, sinh sống ở Canada, ông Châu nếm trải bao ngọt đắng, thăng trầm nơi “đất khách quê người”. Cách đây hơn một năm, ông quyết định hồi hương theo nghề biển. Về quê chưa lâu, ông thuê thợ đóng thuyền, rồi mua sắm máy móc, lưới cụ.
Ông Châu chia sẻ: “Đóng chiếc thuyền, mua máy móc và lưới cụ hơn 100 triệu đồng, không so đo mà cứ mỗi chuyến biển thu nhập được bao nhiêu tui đều chia cho thợ một nửa, mình một nửa. Có ngày đánh bắt được nhiều, tui bán rẻ, hoặc biếu không cho bà con. Đó cũng là cách giúp đỡ, chia sẻ với bà con sau bao năm tha phương”.
Từ khi thuyền “xông biển” chuyến đầu tiên vào đầu năm 2016 đã cho thu nhập khá. Từ đó trở đi hầu như ngày nào thuyền ông Châu cũng thu nhập từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng trở lên. Chỉ trong 3 tháng ước thu 30 triệu đồng, nếu không xảy ra sự cố môi trường biển thì đã lấy lại vốn.
Sau thời gian thuyền nằm bờ dài ngày do sự cố môi trường biển, ông Châu nhận được tiền bồi thường hơn 50 triệu đồng. “Nghề biển gặp khó như vậy, ông có ý định quay trở lại Canada không?”- Tôi hỏi. Ông Châu bảo: “Có mang kiệu đến rước tui cũng không đi. Nghề biển, hay bất cứ nghề nào ở quê hương tuy vất vả, nặng nhọc, nhưng so với “độ nặng” của công việc ở Canada thì chẳng là gì cả”.
Ông Châu cho biết, nghề biển mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng chỉ làm trong một buổi, thời gian còn lại có thể nghỉ ngơi. Mùa biển động thì đi làm thợ hồ, phụ thợ xây nhà cũng kiếm được 150-200 ngàn đồng mỗi ngày. Còn ở nước ngoài, làm ra đồng tiền “chảy máu con mắt”. Công việc ở đấy rất nặng, chủ yếu làm đất, đá, phụ hồ...
“Các anh hình dung xem, chiếc xe rùa chở đá, cát của họ (ở Canada) to gấp ba lần của mình. Nhiều lần tui bị lộn nhào, xây xát tay chân do đẩy xe rùa đá thuê cho Tây. Có người làm đến chảy máu mũi, nhưng cũng phải gắng mà làm, nếu bỏ việc giữa chừng thì các “chủ chóp” (thầu) không trả tiền. Nhiều người sang đây không làm nổi những việc nặng đành ngồi chơi, trông chờ vào con cái. Còn làm công việc nhẹ hơn thì thu nhập không đủ chi tiêu, thuê nhà, điện, nước...”, ông Châu tâm sự.
Mấy ngày nay biển bắt đầu lặng, ông Châu cũng như ngư dân các vùng bãi ngang chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi. Thường sau những ngày biển động, cá tôm gần bờ nhiều, lại bán được giá. Mùa này, ngư dân thường đánh bắt các loại cá trích, nục, bạc má, lẹp, mực...
Ông Châu tự tin: “Ngoài được bồi thường thiệt hại, gần đây, giá hải sản bắt đầu nhích dần lên. Người dân giờ đây đã không còn ngại ăn cá biển như trước nữa. Đây là cơ hội cho thuyền của tui cũng như ngư dân vươn khơi, bám biển, tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống”.