Tại hội nghị, đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản đã báo cáo kết quả tình hình triển khai thực hiện chương trình VietGAP giai đoạn 2012-2015 và định hướng triển khai chương trình VietGAP giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, từ năm 2012 Bộ NN& PTNT và Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý, các quyết định, thông tư hướng dẫn triển khai áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản.
Tổng cục đã xây dựng hệ thống quản lý đối với các tổ chức chứng nhận vận hành theo tiêu chuẩn ISO 17011, thành lập đoàn đánh giá các Tổ chức chứng nhận và quyết định chỉ định các Tổ chức chứng nhận. Xây dựng hệ thống chứng nhận bao gồm Website VietGAP, hệ thống kiểm tra sự tuân thủ của cơ sở nuôi, chỉ định các tổ chức chứng nhận có năng lực, tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ chức chứng nhận, xây dựng mạng lưới các chuyên gia đánh giá.
Toàn bộ quá trình thực hiện cấp phép chứng nhận VietGAP đều đượcthực hiện trên môi trường mạng thông qua phần mềm VietGAPđược xây dựng gồm nhiều tầng thông tin và cấp quyền truy cập cho nhiều đối tượng sử dụng, cung cấp các chức năng như thống kê, báo cáo theo tổ chức chứng nhận, theo vùng nuôi. Phần mềm này cho phép quản lý các tổ chức chứng nhận, cơ sở nuôi và quản lý hệ thống chuyên gia đánh giá.
Hoạt động đào tạo và tuyên truyền VietGAP cũng được Tổng cục chú trọng đẩy mạnh thông qua việc tổ chức tổ chức các lớp đào tạo cán bộ giảng viên VietGAP, đào tạo nâng cao kiến thức cho cơ sở nuôi và cán bộ thủy sản của các tỉnh, công tác tuyên truyền VietGAP thông quacácphóng sự tuyên truyền VietGAp trên truyền hình, đăng trên website của Tổng cục.
Ngoài ra, Tổng cục đã xây dựng nhiều tài liệu hướng dẫn, sổ tay hỏi đáp và các bài giảng về VietGAP, triển khai thực hiện các mô hình VietGAP tại các địa phương.Tổng cục cũng đã có nhiều biện pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng các thị trường cho các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP như tổ chức diễn đàn kết nối thị trường năm 2012, khuyến khích các hệ thống siêu thị phân phối các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, giảm tần suất lấy mẫu đối với có sở nuôi đạt VietGAP khi xuất khẩu.
Từ những lợi ích của việc nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian qua đã có 62 cơ sở nuôi với diện tích gần 690 ha đạt chứng nhận VietGAP trong đó gồm nhiều cơ sở nuôi cá tra, tôm chân trắng và các đối tượng nuôi khác.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng khuyến khích việc các thị trường công nhận lẫn nhau bằng việc ký kết nhiều biên bản ghi nhớ (MoU) với các Tổ chức chứng nhận khác như Global GAP, BAP,ASC và GSSI.
Với cộng đồng ASEAN, Tổng cục cũng đã phối hợp xây dựng GAqP cho thủy sản làm thực phẩm, xây dựng GAP cho tôm nước lợ và đồng ý tham gia xây dựng hệ thống chứng nhận GAP chung cho khối ASEAN.
Trong giai đoạn từ 2016 – 2020 Tổng cục tiếp tục tiến hành triển khai xây dựng VietGAP cho chu trình khép kín từ giống đến thương phẩm, công nhận hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế khác và được thừa nhận bởi GSSI, thực hiện dán nhãn VietGAP đối với sản phẩm được chứng nhận.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Quyết định ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm tôm chân trắng (P.vannamei), tôm sú (P.monodon) thay thế cho Quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS ngày 18/7/2011 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm tôm sú (P.monodon) và tôm chân trắng (P.vannamei).