Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đề ra những vấn đề còn tồn tại trong việc phát triển thủy sản các tỉnh miền Trung, nơi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng nguồn tài nguyên thủy sản lại dồi dào và có tiềm năng lớn. Tại nhiều địa phương, vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng như hồ chứa, mặt nước các vùng đầm phá ven biển. Bên cạnh đó việc sử dụng các phương tiện hủy diệt trong khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra. Do vậy, Hội nghị đã tập trung thảo luận đưa ra những giải pháp nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững tại các tỉnh miền Trung.
Vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam gồm có 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên huế. Có bờ biển dài khoảng 1.000 km, có 3 khu kinh tế của khẩu là Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo(Quảng Bình) và Cầu Treo (Hà Tĩnh) rất thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng. Về tiềm năng phát triển thủy sản, vùng Bắc Trung Bộ có tiềm năng rất lớn về phát triển thủy sản, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển miền Trung khoảng 1,18 triệu tấn, khả năng khai thác cho phép 535 nghìn tấn với trên 45% cá nổi nhỏ, còn lại 55% là cá đáy. Trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá Trích, cá Mòi, cá Nhồng, cá Mối….Về khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản, vùng có khoảng 163.896 ha có thể nuôi trồng thủy sản, trong đó có 115.557 ha nuôi ngọt và 48.339 ha nuôi mặn lợ. Ngoài ra là hệ thống hồ chứa lớn, nhỏ chưa được khai thác một cách hợp lý.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến năm 2014 toàn vùng có khoảng 24.104 tàu thuyền chiếm gần 20% tổng số tàu thuyền trong cả nước và có xu hướng giảm dần tàu khai thác gần bờ và tăng số lượng tàu xa bờ. Sản lượng khai thác năm 2014 đạt 475.150, tăng 49.84% so với năm 2010, chiếm 17,7 % tổng sản lượng khai thác của cả nước, bình quân tăng trưởng 10,46%/năm. Năng suất khai thác đạt bình quân 19,71 tấn/tàu với bình quân tăng trưởng năng suất đạt 12,91%/năm. Toàn tỉnh hiện có 3 khu bảo tồn biển đã được thiết lập bao gồm Hòn Mê, Cồn Cỏ và Hải Vân – Sơn Chà. Về nuôi trồng thủy sản, tính đến năm 2014 diện tích nuôi đạt khoảng 64.516 ha, tăng 5,24% so với năm 2010 và chiếm 5% tổng diện tích toàn quốc. trong đó, nuôi ngọt có 44.338 ha, nuôi mặn lợ là 20.178 ha. Về sản lượng, năm 2014 đạt 139.695 tấn, tăng 31,31% so với năm 2010, chiếm 3,7% tổng sản lượng của cả nước, trong đó sản lượng nuôi ngọt chiếm gần 60%. Năng suất nuôi toàn vùng đạt 2,17 tấn/ha, tốc độ tăng trưởng sản lượng cao gấp 5,5 lần so với tăng trưởng diện tích toàn vùng. Toàn vùng có trên 100 cơ sở chế biến lớn nhỏ khác nhau với giá trị kim nghạch xuất khẩu toàn vùng đạt gần 100 triệu USD.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các tồn tại, kiến nghị các giải pháp nhằm phát triển bền vững thủy sản vùng trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như: tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng cho cả nuôi trồng và khai thác; lựa chọn công nghệ trong khai thác cũng như nuôi trồng, đẩy mạnh nuôi thâm canh các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, lựa chọn các đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao và thích hợp với vùng. Khai thác thế mạnh của các mặt nước hồ chứa, đầm phá; xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm của vùng; hoàn thiện quy trình nuôi tiên tiến hạn chế dịch bệnh; kiểm soát tốt việc sử dụng hóa chất trong NTTS; chuyển giao quy trình nuôi xen ghép trong vùng đầm phá, vùng nước ngọt. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã có những trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong thực tiễn công tác địa phương để có thể tìm ra biện pháp chung nhất cho vấn đề tại các tỉnh miền Trung.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chỉ đạo một số vấn đề mang tính trọng tâm nhằm đưa ngành thủy sản các tỉnh miền Trung phát triển bền vững nhất. Về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần tập trung quản lý khai thác theo nghị định 33/NĐ-CP/2010 về quản lý hoạt động khai thác của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển. Định hướng quy hoạch số lượng tàu thuyền và quản lý tốt hoạt động đóng mới tàu thuyền trên cơ sở nguồn lợi thủy sản của vùng theo hướng không tăng về sản lượng khai thác mà tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, bằng việc chuyển giao công nghệ và tập huấn ngư dân về công tác bảo quản sau thu hoạch. Tổ chức đào tạo lao động trên tàu thuyền khai thác theo hướng giảm số lượng lao động và nâng cao tay nghề ngư dân. Ngoài ra, cần chú trọng đến công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, chính sách chuyển đổi nghề khai thác ven bờ. Tăng cường áp dụng mô hình đồng quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là rừng ngập mặn. Điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống bãi giống, bãi đẻ và quy định về khai thác trong các vùng này nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản.
Về nuôi trồng thủy sản, cần tổng kết mô hình nuôi tôm trên cát và áp dụng trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung, nuôi ngọt có tiềm năng rất lớn cần được nghiên cứu phát triển, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi.
Về chế biến, tiêu thụ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xúc tiến thị trường và thương mại, nắm rõ lộ trình tham gia vào các hiệp định kinh tế như TPP, FTA nhằm tận dụng những lợi thế so sánh để phát triển.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung nghiên cứu về giống và khoa học công nghệ nhằm tăng giá trị sản phẩm thủy sản, tăng cường hoạt động của dịch vụ hậu cần, chú trọng đầu tư hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão, đẩy mạnh hợp tác công tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá, bến cá...