Đâu dễ bỏ nghề
Đứng giữa làng cá bè Nha Phu ngước nhìn ra giữa mênh mông biển xanh, ngư dân Nguyễn Văn Bàn phấn chấn. Giờ nhà nhà đều đua nhau đầu tư các bè nuôi mới với quyết tâm rất lớn. Cuối năm 2016, các khu vực nuôi cá bè của tỉnh Khánh Hòa phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề do môi trường, hàng nghìn tấn cá chết trắng cả bè, ngư dân gần như trắng tay. Có lúc không ai muốn nhắc đến hai từ “cá bè”.
Với đôi chân trần bủng nước sau một ngày ngụp lặn sắp đặt bè mới, lão ngư Trần Văn Hùng ở làng cá bè Cam Ranh chia sẻ: “Hơn 40 hộ dân làng Cam Ranh treo lồng, bỏ hoang bè cuối năm 2016 bây giờ đã quay trở lại nuôi trồng vụ mới. Riêng ở khu cá bè Cam Ranh này có đến trên 600 bè cá, mỗi năm xuất bán vào đất liền và các tỉnh trong nước hàng nghìn tấn cá bò, cá chim trắng, cá mú… Mỗi hộ nuôi một bè có trên 50 ô cá (lồng cá), mỗi ô trên 20 m2 như ông Hùng, ông Hiển thì trung bình mỗi tháng lãi trên 30 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí”.
Ở một làng khác, ngư dân Lê Văn Chính cùng hàng chục ngư dân làng Nam Vân Phong đã từng bỏ bè lên bờ làm thuê, nay trở lại mạnh dạn đầu tư hơn 50 lồng. Ông Chính quả quyết: Tai họa giáng xuống như giông gió. Người dân chúng tôi yêu bè cá, kiểu gì cũng phải trở về làm cá, đâu có thể gắn bó với nghề khác lâu dài. Sau mưa là trời hửng nắng mà…
Cùng nhau tính chuyện nuôi cá bè bền vững
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 9.893 ha. Trong đó, nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 1.200 ha, nuôi thủy sản nước lợ 4.908 ha; nuôi mặt nước biển ven bờ khoảng 3.785 ha. Riêng cá bè có khoảng 4.500 lồng nuôi cá, cho sản lượng tương ứng khoảng 3.600 tấn/năm. Trong đó chủ yếu là cá bò, cá bớp, cá mú. Các loại cá này đều cho giá trị kinh tế rất cao, kỹ thuật nuôi không quá khó. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho các tỉnh trong nước. Sau các sự cố năm ngoái, Chi cục Thủy sản đã trang bị lại kiến thức mới cho ngư dân. Khuyến cáo người dân khi thấy có nước đỏ thì phải di chuyển lồng bè. Trong trường hợp không thể di chuyển thì nên thu hoạch sớm, đồng thời báo ngay với ngành thủy sản để có kế hoạch xử lý.
Điều đáng nói, để vượt qua khó khăn, cơ quan chức năng và các lão ngư cho biết, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, đoàn kết là vô cùng quan trọng đối với những người làm cá bè. Với 60 năm gắn bó với nghề nuôi cá bè ở làng bè Nam Vân Phong, ông Nguyễn Hữu Chung tự hào: Thiên nhiên khó đoán, tai ương khó lường. Chính vậy nên tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau ngày càng được thắt chặt. Ông Chung nhớ như in đợt sự cố năm 2016, hơn 10 hộ nuôi cá bè ở Nam Vân Phong cạn kiệt tiền trang trải cuộc sống và tái đầu tư trở lại, nguồn vốn vay ngân hàng lại phải chờ. Giữa lúc gian nan, ông Chung cùng nhiều hộ khá giả khác đã gom tiền giúp đồng nghiệp của mình mà không lấy lãi. Ông Chung bộc bạch: “Người này khá hơn thì dìu dắt người khác vươn dậy. Chỉ khư khư làm giàu cho riêng mình thì lạc lõng lắm”.
Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá bè theo hướng chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường bằng việc áp dụng quy trình thực hành tốt (VietGAP). Để ngư dân yên tâm bám bè, tỉnh Khánh Hòa cũng đã quy hoạch ổn định nghề nuôi cá ở Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Phu, Thủy Triều. Khí hậu đặc trưng ở Khánh Hòa và nhiều tỉnh khác khá ôn hòa, biển kín gió nên người nuôi cá bè sẽ có những thuận lợi nhất định. Cùng với đó, mạng lưới đón đầu thu mua sản phẩm từ cá nuôi cũng đã được nhiều doanh nghiệp cam kết không phá giá, mua đúng mùa vụ. Để có thể phát triển bền vững người dân cần từ bỏ thói quen nuôi tự phát, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi.
Nụ cười đã trở lại trên những gương mặt ngư dân rạng rỡ. Hy vọng năm 2017 các làng bè sẽ cho nhiều lứa cá chất lượng.