Tập đoàn bán lẻ số 1 Nhật Bản AEON đã chia sẻ những kinh nghiệm, yêu cầu giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tại diễn đàn xuất khẩu năm 2017 với chủ đề “Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 8-8.
Ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết hiện nay mỗi năm có hơn 1.500 tấn cá tra nướng của Việt Nam đạt chuẩn vào hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản mang về cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hơn 9 triệu USD. Bên cạnh đó xoài là mặt hàng trái cây của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa thích.
Tuy nhiên theo ông Yasuo, lượng hàng Việt Nam xuất khẩu vẫn chưa nhiều, doanh nghiệp Việt phải tìm cách gia tăng đơn hàng xuất khẩu. Muốn tăng đơn đặt hàng thì trước hết phải là chất lượng, sản phẩm phải tốt như sản phẩm cá tra vào siêu thị của AEON đạt chất lượng rất tốt theo chuẩn “Top Valu”.
Ngoài ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm cá tra được nướng theo công thức của Nhật Bản có hương vị như món lươn nướng được người Nhật yêu thích lựa chọn nhiều năm nay nên dễ được thị trường chấp nhận.
Ông Yasuo chỉ ra rằng để gia tăng đơn đặt hàng xuất khẩu thì tăng giá trị sản phẩm để bán được giá cao là sai lầm. Khi sản phẩm tốt, giá cạnh tranh thì chắc chắn các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ sẽ đặt hàng với số lượng lớn.
Hai thị trường lớn khác là Mỹ, EU cũng được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra bàn giải pháp gia tăng xuất khẩu tại diễn đàn. Đại diện ITPC cho biết sau khi Mỹ tuyên bố không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp Việt Nam cần có sự điều chỉnh và nhận diện sâu hơn về thị trường này cũng như hướng tiếp cận gia tăng xuất khẩu tốt hơn.
Đối với thị trường EU đang gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng thông tin từ thị trường này cần được cập nhật chuyên sâu hơn về khai thác thị trường cũng như quản trị rủi ro trong thanh toán.
Ông Fred Burke, thành viên ban lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ (AMCHAM) tại Việt Nam cho rằng dù mất TPP vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện nay, hàng xuất khẩu không chỉ có hàng thô, mà đã tăng các mặt hàng có giá trị cao, như các sản phẩm máy tính điện tử xuất khẩu.
Nhiều hàng hóa có giá trị cao đã cùng với các mặt hàng chủ lực được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu có TPP, sẽ giảm gách nặng thuế quan của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào Mỹ, sẽ tăng trưởng xuất khẩu, có lợi thế so với hàng hóa của Thái Lan…
Theo ông Fred Burke, Việt Nam cần có chiến lược đàm phán thương mại tự do với nhiều nước, bên cạnh đó, ngành cung ứng, dịch vụ đã được mở cửa giúp cho các nhà cung ứng, các nhà xuất khẩu được hưởng lợi nhiều chương trình thuận lợi… thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 98 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 2017, Bộ Công thương sẽ cùng các Bộ ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.