Hiện nay, số người tham gia đánh bắt, khai thác thủy sản ngày một đông, ngư cụ đánh bắt ngày càng nhiều, chủ yếu là các loại ngư cụ hiện đại hoặc không đúng quy định... đã làm giảm nguồn lợi các loài. Bên cạnh đó, các ngư cụ khai thác hủy diệt vẫn được nhiều hộ dân sử dụng.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của thủy lưu, tác động của biến đổi khí hậu mà trực tiếp là ô nhiễm môi trường đã làm cho nhiều hệ sinh thái dưới nước có nguy cơ bị xóa sổ.
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt đến mức báo động, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các khu bảo vệ thủy sản với mục đích tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản đang bị suy giảm rất nhanh.
Ông Võ Giang -Trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết, đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 23 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, chiếm diện tích 614,2ha. Các khu thủy sản này được giao lại cho Chi hội nghề cá của địa phương quản lý.
Trong các khu bảo vệ thủy sản, nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình sản xuất kinh tế... làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và môi trường thủy sinh của vùng đầm phá. Tại các khu bảo vệ, các loài thủy sản có môi trường thuận lợi để sinh sản, sinh trưởng an toàn; sau đó nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm phá xung quanh, ngư dân được phép khai thác.
Theo ông Giang, mục đích chính của các khu bảo vệ thủy sản là bảo vệ nguồn cá đẻ, cung cấp nguồn gen giống; duy trì quần thể tự nhiên và các habitat không bị tác động; phục hồi sinh cảnh vùng nước... “Qua theo dõi, chúng tôi thấy tỉ lệ thủy sản phát triển tăng gấp đôi, gấp ba. Kích thước một số sinh vật và đa dạng sinh học tăng từ 20-30%...”, ông Giang cho hay.
Trong khuôn khổ kế hoạch của năm 2017, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp cùng các xã Vinh Hưng, Vinh Giang và xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc); Chi hội nghề cá Giang Xuân (xã Vinh Giang), Chi hội nghề cá Lộc Bình 1 (xã Lộc Bình) và Chi hội nghề cá đầm phá Trung Hưng (xã Vinh Hưng) tạo sinh cảnh tại các khu bảo vệ này, gồm các hoạt động như thả chà rạo, cắm bổ sung cột mốc ranh giới...
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, việc hỗ trợ xây dựng mô hình “chà rạo” trên khu vực bảo tồn giúp tạo nơi cư trú và sinh sản cho các loài hải sản trên biển, nâng cao hiệu quả và khai thác bền vững các loại thủy sản đang dần cạn kiệt.
Trước đây, các loại chà làm bằng vật liệu như tre, nứa, cây, lưới bao cuộn nhưng do kỹ thuật khá đơn giản nên nhanh chóng bị hư hỏng, mô hình “chà rạo” bằng bê tông vừa được thực hiện đã khắc phục những tồn tại trước này, nâng cao được tính dẫn dụ và hiệu quả khai thác cho ngư dân địa phương.
Thông qua hoạt động cũng nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân trong bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên thủy sản bền vững. Xây dựng các khu bảo vệ không những góp phần đảm bảo cần bằng sinh thái vùng đầm phá, điều hoà môi trường và nguồn giống thủy sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế lâu dài, với nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái...
Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tiếp theo sẽ hỗ trợ, phối hợp cùng với Chi hội nghề cá triển khai thêm các hoạt động, nhằm phát huy vai trò tổ chức quản lý của cộng đồng ngư dân như hoạt động tuần tra bảo vệ, hội thi tìm hiểu thủy sản...