Đất lành, yến đậu
Ông Nguyễn Tem, tổ trưởng Tổ dân phố Ngọc Thảo dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi yến và cho biết, vùng đất này giống như ốc đảo, xung quanh được bao bọc bởi dòng sông Cái, vì vậy môi trường rất thoáng mát, có nhiều diện tích trồng dừa bao phủ lại yên tĩnh. Đây là điều kiện lý tưởng để thu hút chim yến.
Tuy nhiên ở đây chỉ mới có 3 hộ có điều kiện để nuôi yến, đó là gia đình chị Dương Thị Hoa, anh Huỳnh Tấn Hưng và chị Đặng Thị Thanh Hằng. Hộ chị Hằng có số lượng đàn yến về làm tổ lên đến hàng ngàn con.
Chúng tôi quyết định đến tận nơi để xem “mục sở thị” nhà nuôi yến của chị Hằng. Nhà được thiết kế 3 tầng, diện tích 120 m2 (đầu tư khoảng 500 triệu đồng) nằm giáp bờ sông, hướng nhìn ra biển, xung quanh dân cư thưa thớt. Chị có thâm niên nuôi chim yến được 7 năm. Năm 2005 khi phát hiện đàn yến thường vào chiều tối cứ bay lượn trước nhà như muốn tìm nơi trú ẩn, từ đó vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư xây nhà nuôi. Sau khi được Cty Yến sào Khánh Hòa hướng dẫn kỹ thuật và lắp đặt thiết bị, chị đã thả chim mồi, ài hôm sau đàn yến đã kéo về hàng chục con, rồi không ngừng tăng đàn lên theo từng năm.
Việc gia đình chị dụ yến về nhà làm tổ được nhiều người nuôi đánh giá thành công và bền vững, vì đàn yến đã xem ngôi nhà chị Hằng là nơi cư ngụ, sáng sớm chúng đi kiếm ăn, chiều lại kéo về. Hơn nữa chị không dùng bất cứ phương tiện gì để tiếp tục gọi chim yến,
Chị Hằng chia sẻ, một ngôi nhà nuôi yến thành công, ngoài các yếu tố là biết cách quan sát hướng bay của yến để thiết kế mở lỗ ra vào và các lỗ liên phòng, liên tầng phù hợp, quanh nhà không nên có cây cao chắn tầm nhìn và vòng lượn của yến; chỉ trồng những cây thấp thu hút côn trùng.
Hưởng lộc
Theo chị Hằng, nuôi chim yến là nghề đặc biệt, không đầu tư chi phí để mua giống, mua thức ăn, nhưng cũng không hề đơn giản, phải nuôi đúng cách, kiên trì và chịu khó mới có thể thành công. Thông thường sau 2 năm yến về làm tổ thì người nuôi mới có thể bắt đầu thu hoạch.
Tuy nhiên có không ít người không nắm được bí quyết hoặc quá kỳ vọng vào mức doanh thu cao trong thời gian ngắn nên khi chim yến vẫn còn trong giai đoạn thăm dò, mới làm tổ thì đã khai thác khiến chúng sợ hãi, bỏ đi.
Do vậy gia đình chị Hằng rất cẩn trọng trọng việc này nên không dám khai thác triệt để, mà đợi đến sang năm thứ 3 mới bắt đầu thu hoạch 1 năm 2 vụ. Với số lượng đàn yến về làm tổ khoảng 6.000-7.000 con, mỗi năm chị khai thác từ 20-30 kg tổ yến, bán với giá từ 40-60 triệu đồng/kg, mang lại thu nhập hơn tỷ đồng.
“Đây là hưởng lộc của trời cho chứ nhiều người tôi quen biết, họ bỏ ra hàng tỷ đồng xây dựng nhà to như khách sạn “hạng sao”, nhưng chim yến vẫn không đến ở. Thế nhưng nhà nuôi yến của tôi về làm tổ ngày càng đông, chật kín. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi yến nhằm bảo tồn và cung cấp sản phẩm cho thị trường", chị Hằng chia sẻ.
"Môi trường dẫn dụ nuôi yến ở Khánh Hòa khó hơn các tỉnh khác vì môi trường yến sống ở ngoài đảo rất tốt. Vì vậy để dụ được yến về nhà làm tổ là người nuôi phải tạo ra môi trường sống hơn trên đảo mới có thể thu hút chúng", chị Hằng chia sẻ.